Phụ nữ dân tộc thiểu số truyền nhau “cái chữ”

Từ thành công của mô hình chỉ đạo điểm triển khai cuộc vận động "Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông" tại xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, trong quý III/2011, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục triển khai cuộc vận động đến các cấp Hội trên phạm vi toàn tỉnh, phấn đấu 100% cơ sở Hội trong tỉnh được triển khai thực hiện; 100% Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ 194/194 xã, phường, thị trấn trong tỉnh sử dụng được tiếng phổ thông điều hành sinh hoạt chi hội.


Một buổi học của các em học sinh dân tộc thiểu số Hà Giang.


Hội LHPN tỉnh đang cùng với Sở Giáo dục Đào tạo, các ban, ngành, đoàn thể, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường công tác phối hợp thực hiện cuộc vận động nhằm giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số của Hà Giang biết chữ, nói tiếng phổ thông, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới nơi biên cương địa đầu của Tổ quốc.

Bà Lê Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang cho biết: Đa số hội viên phụ nữ ở Hà Giang là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, còn mù chữ, không biết tiếng phổ thông. Đây là rào cản cho việc cập nhật các thông tin, tiếp thu các kiến thức để hỗ trợ phát triển kinh tế. Hội LHPN tỉnh đã triển khai chỉ đạo điểm cuộc vận động "Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông" tại 7 thôn của xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ từ tháng 10/2010. Sau 9 tháng thực hiện thí điểm, cuộc vận động đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia. Cuộc vận động này nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong việc giao tiếp xã hội, tiếp thu kiến thức nuôi dạy con, biết chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khi chưa triển khai cuộc vận động, qua khảo sát xã Lùng Tám, trong số 460 hội viên phụ nữ có 337 hội viên mù chữ, 303 hội viên không biết tiếng phổ thông. Hội LHPN tỉnh đã cùng với cấp ủy, chính quyền, Hội Phụ nữ xã triển khai qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là học nói tiếng phổ thông; giai đoạn 2 là học chữ phổ thông. Hội đã vận động hội viên, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia học các lớp xóa mù chữ, đồng thời vận động người thân trong gia đình biết chữ dạy cho hội viên, phụ nữ tại gia đình với phương châm "người biết nhiều dạy cho người biết ít". Hội thành lập nhóm chị em nòng cốt, nhóm cặp mẹ con, nhóm học qua sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm học qua sinh hoạt chi, tổ hội và nhóm tự học; phối hợp với trường tiểu học, trường trung học cơ sở xã Lùng Tám và các đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn, quán triệt cho học sinh của trường khi về nhà chủ động giao tiếp thường xuyên bằng tiếng phổ thông với bố mẹ, đồng thời mở nhiều lớp xóa mù chữ cho chị em hội viên phụ nữ của xã.

Chị Sùng Thị Súa, dân tộc Mông ở thôn Lùng Hóa, xã Lùng Tám, cho biết: “Do điều kiện gia đình nghèo, đông con nên cả nhà không có ai được đi học, không biết nói tiếng phổ thông. Lao động vất vả mấy cũng làm được, nhưng giờ đã 41 tuổi rồi, cầm bút viết thấy khó quá. Nhiều lúc nản muốn nghỉ học, song được sự vận động của chị em Hội LHPN tỉnh, mình lại quyết tâm. Giờ mình đã viết được chữ, làm được toán cộng trừ và viết được tên của mình, tên của người thân mình. Mình thích lắm, nếu Hội tiếp tục mở lớp mình lại dành thời gian để theo học, rủ cả chồng và các con của mình cùng học nữa”.

Từ chỗ chưa biết chữ, chưa biết nói tiếng phổ thông, cuộc vận động đã giúp 100% chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở 7 thôn của xã Lùng Tám dễ tiếp thu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, tích cực tham gia các phong trào hoạt động và xây dựng cơ sở Hội phát triển vững mạnh, tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia của hội viên, phụ nữ và cộng đồng.

Bài và ảnh: Minh Tâm



 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN