Phát huy vai trò già làng ở Tây Nguyên

Các già làng ở khu vực Tây Nguyên là những trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển cuộc sống mới trong cộng đồng. “Già làng nói - dân làng nghe, Già làng hô - dân làng hưởng ứng, Già làng làm - dân làng làm theo”, đó chính là câu nói phổ biến ở khu vực này.


Già Kso Kai tuyên truyền về dân số kế hoạch hóa gia đình cho các cán bộ trong buôn Rưng A Ma Đoan, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa (Gia Lai).

Điển hình là già làng Hồ Khăm - dân tộc Bana (92 tuổi) ở làng Pơ Nang (xã Tú An, thị xã An Khê, Gia Lai) đã vận động và hướng dẫn bà con dân làng làm lúa nước, bỏ tập quán phát nương làm rẫy và hiện nay cả làng đã thoát nghèo, không còn tình trạng ở nhà tranh tre dột nát. Ở tỉnh Lâm Đồng có già làng K'Lếu (xã Tân Châu, huyện Di Linh) vận động bà con tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế ở xã, góp phần đưa Tân Châu trở thành xã giàu của huyện, bình quân mỗi người dân có mức thu nhập hơn 13 triệu đồng/năm - trở thành xã Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

 

Ở tỉnh Đắk Lắk có các già làng người Ê Đê như Aê Jek, Ama Kim, Ama H'De, Ama Rin... ngoài việc vận động bà con làm kinh tế còn tổ chức truyền dạy cách đánh chiêng, chế tác và trình diễn nhạc cụ dân gian cho lớp trẻ trong các buôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hàng trăm già làng ở huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) đã vận động từng gia đình, dòng họ, bon, buôn tham gia thực hiện định canh định cư, xóa đói nghèo. Ở tỉnh Kon Tum có hơn 700 già làng, hầu hết đã phát huy tốt vai trò của mình, thực sự là những hạt nhân liên kết, giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối và chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.


Ngày nay, cộng đồng người dân tộc Tây Nguyên đã có những bước đổi thay đáng tự hào bởi bà con tin và một lòng sắt son với Đảng, với cách mạng ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng buôn làng yên bình và giàu đẹp. Toàn vùng hiện có hơn 1 triệu hộ, trong đó có khoảng gần 50% số hộ là người các dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn gần 15%. Có những vùng khá lên rất nhanh, như ở huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai) có hơn 4.000 lao động người dân tộc J'rai được tiếp nhận vào làm công nhân trong các doanh nghiệp trồng cao su, cà phê trên địa bàn và có mức thu nhập ổn định bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.


Điều kiện phát triển kinh tế trong toàn vùng ngày càng được đảm bảo, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống. Hiện nay, trong toàn vùng đã có 100% số xã có đường ô tô đến tận trung tâm và có sóng điện thoại, 96% số xã có trạm y tế, 98% số trẻ trong độ tuổi được huy động đến lớp học, 70% số hộ nông thôn được dùng nước sạch. Nhiều nơi ở Tây Nguyên vẫn giữ được các bon, buôn, làng (Plây) truyền thống với những bản sắc dân tộc độc đáo như lễ hội đâm trâu, cúng cơm mới, cúng bến nước, hội voi và các di sản văn hóa vật thể như nhà rông, nhà dài, cồng chiêng, nhà mồ...


Đặc biệt, nhờ sự gìn giữ qua nhiều thế hệ, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã để lại nhiều kiệt tác văn hóa cho dân tộc tô thêm sự đậm đà và phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó là các trường ca Đam San, Đam Di của người Ê Đê; Anh em Chơ Blơng, Dăm Hdang bắt cóc nàng Bia Luy của người Bana; Mùa rẫy bon Tiăng, Cây nêu thần của người Mơ Nông; Xinh Nhã, Nàng Hbia Đrang của người J'rai. Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận vào năm 2006 là kiệt tác truyền khẩu, di sản phi vật thể của nhân loại, đã làm sống dậy tinh thần yêu nước, khẳng định khát vọng được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.


Bài và ảnh: Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN