Pả Hiếu trên rẻo cao Đakrông

Cách cầu treo Đakrông chừng 25 cây số, con đường miền núi ngoằn ngoèo dẫn tôi đến thôn Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị). Ở đấy có một người mang tấm lòng thơm thảo, năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn dõng dạc tuyên bố: “Khi nào hết sức tôi mới thôi tiếp sức cho bọn trẻ trên này biết được mặt con chữ”. Đó là ông Hồ Xuân Nèng, bà con dân bản vẫn hay gọi một cách rất thân quen là Pả Hiếu.


“Nhà nội trú” của trẻ vùng cao


Lên đến Tà Long, hỏi mấy người dân tộc thiểu số mà tôi gặp bên đường, nhà ông Pả Hiếu ở đâu, họ chỉ cứ đi tiếp nữa, khi nào gặp Trường Mầm non Tà Long thì sẽ thấy nhà Pả Hiếu. Ngôi nhà bằng gỗ nằm chênh vênh trên con dốc cao, một góc tường treo kín bằng khen của ông. Nghe có khách, ông lật đật từ ngoài vườn vào, mồ hôi còn nhễ nhại trên chiếc áo bộ đội bạc màu. Là một chiến binh trở về từ quân khu IV năm 1977, chỉ có hai bàn tay trắng, ông cùng vợ làm rẫy, trồng lúa để mưu sinh. Kinh tế gia đình không khấm khá nhưng vẫn đủ no hơn những bà con Vân Kiều, Pa Cô khác.


Mở đầu câu chuyện bằng giọng Kinh lơ lớ, ông kể: Từ những năm 90, thấy bọn trẻ vùng cao đi học cực quá, có đứa thấy bạn đi học mà mơ ước nên mình đã nhận rất nhiều cháu nhỏ về nhà nuôi. Từ cơm nước, áo quần, sách vở… đến việc họp phụ huynh, làm giấy tờ thủ tục đều do mình quán xuyến. “ Nhà tụi hắn khổ lắm, cơm không có ăn, cách xa trường mấy chục cây số, sức mô đi bộ. Mình đón về đây, coi như con cháu trong nhà, cho ăn học hết”, ông tâm sự.

Ông Pả Hiếu trong ngôi nhà đơn sơ của mình.


Lần lượt những cô cậu học trò được học thành tài, có người đã trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. Có thể kể ra đây: Anh Hồ Văn Phong, ở xã Tà Lao đang học ở Đại học Vinh, hay anh Hồ Văn Rễ cũng từng làm Bí thư Chi bộ thôn Pa Hy. Hiện tại, vẫn còn hai em Hồ Văn Tuần, ở xã Tà Rụt và Hồ Văn Lắm ở thôn Chài về sống cùng gia đình ông, ngót nghét cũng gần chục năm trời. Nhà hai em cách trường hơn hai chục cây số, bố mẹ quanh năm làm rẫy không đủ ăn, thành thử, ước mơ theo học con chữ đối với hai em quá xa vời. Kể từ lúc được ông đón về, cả hai được cắp sách đến trường, cơm no ba bữa, có chỗ học, chỗ ngủ tốt hơn ở nhà.


Ông kể: “Nhà mình không khá giả, hai vợ chồng già hàng tháng đều có lương của nhà nước. Còn vợ chồng nó (con trai ông) thì đi làm rẫy, nhà đến mấy miệng ăn, nhưng hễ giúp được là mình giúp”.

Bữa cơm trưa nào nhà ông Pả Hiếu cũng có những cháu
học sinh cấp I ăn cùng.


Anh Hồ Văn Phong, (ở nhà ông tới 9 năm), hiện đang học Đại học Vinh chia sẻ: “ Nhà tôi ngày ấy khó khăn lắm, bố mẹ làm mấy cũng chẳng đủ nuôi tôi ăn học. Đối với tôi, ông Pả Hiếu đã hết lòng với tôi, từ miếng cơm manh áo đến bút tập để tôi được đến trường. Nếu không có ông thì giờ có lẽ tôi đã không tới được giảng đường đại học. Tôi xem ông như người cha thứ hai của mình”.


Hiến đất xây trường


Mặt trời đứng bóng, ông mời tôi ở lại dùng bữa cơm với gia đình. Mâm cơm đạm bạc, chỉ có canh rau, cá, su su xào. Cô con dâu bưng nồi cơm lớn, loại nấu được mười lon từ dưới bếp đi lên nói: “Phải nấu thế này ăn mới đủ, trưa có thêm nhiều người lắm”. Đấy là các cháu học sinh cấp 1, nhà ở xa trường, không có điều kiện học bán trú nên hết giờ học buổi sáng là các cháu lên nhà ông ăn trưa. “Lương thực” bố mẹ chuẩn bị cho mang theo là gói mì tôm, cũng có khi là quả bắp, nắm cơm nguội. Sợ chúng đói, ông dặn con nấu thêm cơm để các cháu ăn no có sức chiều đi học tiếp. Hai anh em Hoàng Sang (lớp 3) và Hoàng Thị Linh (lớp 2, trường Tiểu học Tà Long) cùng các bạn mỗi tuần ăn trưa nhà ông hết năm bữa. Tới giờ cơm, Sang trải chiếu, Linh lấy bát đũa, thân thuộc như ở nhà mình.


Nhiều năm về trước, khi xã chưa có trường học, căn nhà gỗ của ông lại là một lớp học dã chiến. Ông còn nhớ hồi ấy có cô Hạnh, cô Gái dạy mấy chục đứa học trò. Cạnh cái cửa kia treo bảng, còn mấy đứa nhỏ ngồi ở giữa nhà. Hôm nào nhà cũng rộn ràng tiếng đọc bài của các cô cậu học trò, còn bữa nay thì đã có trường có lớp.


Chỉ tay về phía bên kia đường, nơi Trường Mầm non Tà Long tọa lạc, ông thủ thỉ rằng, hơn 200 m2 đất xây trường là do ông tình nguyện tặng. Để có lớp cho các cháu nhỏ học, cô giáo có nơi công tác đàng hoàng thì còn gì vui bằng nữa. Không dừng lại ở đó, mỗi ngày, nhà ông đều cắt cử ra một người trực bơm nước sang phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho hơn 60 em nhỏ ở trường.


Như sợ tôi không tin lắm, ông phân bua bằng cái giọng thật thà, chất phác của người miền núi: “Sau nhà có đặt hai cái máy bơm to đùng, ống nước dẫn qua tận trường, giờ máy nổ là bên kia có nước liền à”. Anh con trai ông lúc tiễn tôi về xuôi còn kể thêm một tâm nguyện mà bấy lâu ông trăn trở, rằng nếu được học hành đầy đủ, ông sẽ bày vẽ thêm cái chữ cho thằng Tuần, thằng Lắm và những đứa nhỏ sau này được ông đón về, tiếc là ông học mới hết lớp 5, chữ nghĩa đâu đủ mà bảo ban thêm.


Chạy dọc con đường về, ngắm ngôi trường mầm non hàng ngày đón bao em nhỏ, trường cấp 1, cấp 2 Tà Long mai đây sẽ lại có những học trò đỗ đạt, và biết đâu trong số đó có những người tri ân Pả Hiếu trên rẻo cao này.

Bài và ảnh:Thanh Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN