Ở ngoài biển, Nhơn Châu vẫn chưa là xã đảo

Xã Nhơn Châu (hay còn gọi là Cù lao Xanh) nằm độc lập ở ven biển, thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 24 km về phía đông nam và cách bờ biển tỉnh Phú Yên 22 km. Tuy nhiên, nhiều năm qua xã này vẫn chưa được cấp trên công nhận là xã đảo.

Một góc xã Nhơn Châu.


90% dân làm nghề đánh bắt gần bờ


Đồng chí Phan Văn Binh, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã cho biết: Theo sử sách và những chứng cứ về lịch sử còn để lại thì xã Nhơn Châu xưa có tên gọi là thôn Thanh Châu, thuộc Cù lao Xanh. Còn người phương Tây trong các luồng hàng hải qua phương Đông từ các thế kỷ XVI- XVII gọi là Polugambia. Hiện nay, Cù lao Xanh có tổng diện tích 4,5 km2, chiều dài của đảo 4 km, nơi rộng nhất 1,2 km2 và nằm trên trục tọa độ ở vị trí 13 độ 36 vĩ độ Bắc và 109 độ 30 kinh độ Đông.

Tại đỉnh núi phía tây xã có một trạm hải đăng được xây dựng từ năm 1899 và đây là một trạm hải đăng được xây dựng sớm nhất và hiện đại nhất ở nước ta với chiều cao 19 m, tháp có 3 bộ phận chính, chân tháp gồm có 32 bậc xây bằng gạch vố, thân tháp hình trụ tròn, vẫn ngày đêm phát tín hiệu cho tàu thuyền ngoài khơi định hướng về đất liền.

Đến nay, xã Nhơn Châu có tổng cộng hơn 484 hộ với trên 2.160 nhân khẩu, trong đó 90% người dân sinh sống bằng nghề khai thác hải sản gần bờ. Do tính chất khai thác gần bờ nhiều năm, nên nguồn thủy hải sản đã bị cạn kiệt dần, nguồn sống chính của xã Nhơn Châu cũng bị ảnh hưởng nặng nề và nhất là khi giá xăng dầu ngày càng tăng lên, người dân làm biển thua lỗ nên trong xã có 123 tàu thuyền, thì đến nay họ đã bán và chỉ còn lại 97 chiếc. Trong nhiều năm qua, cấp trên đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn xã. Tuy nhiên, chỉ chừng đó vẫn không tạo được mọi điều kiện để cải thiện đời sống dân sinh của nhân dân trong xã. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm 13,6%.

Vẫn chờ được công nhận

Ông Ngô Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, cho biết: Do điều kiện tự nhiên về địa lý, Nhơn Châu là một hòn đảo nổi lên giữa trùng khơi. Điều kiện đi lại sinh hoạt và giao dịch với đất liền phải bằng thuyền lớn và thời tiết tốt. Nhất là khi bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, hoặc mưa bão kéo dài ngày thì tàu thuyền không ra vào được, coi như bị cắt đứt mọi nguồn tiếp tế về lương thực và thực phẩm cũng như nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm khác. Chính vì khó khăn đó, mà chỉ từ năm 2000 đến nay đã có 58 hộ với 225 nhân khẩu bỏ vào đất liền để tìm kế sinh nhai thuận lợi hơn. Đây là một nỗi lo và băn khoăn lớn nhất đối với lãnh đạo xã. Nếu không có giải pháp tốt, nhất là giúp đỡ hỗ trợ người dân an cư lạc nghiệp thì sắp đến liệu không biết có giữ lại được số dân hiện đang còn sinh sống trên đảo nữa hay không?

Chia sẻ với lãnh đạo và nhân dân xã Nhơn Châu, Trung tá Phan Văn Hào, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhơn Châu cho biết: Trước đây anh đã ra công tác tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và bây giờ đang công tác tại đảo Nhơn Châu. Trong thực tế cuộc sống đâu cũng là đảo, nhưng ở Lý Sơn điều kiện đời sống của người dân đã được cải thiện tốt hơn do được sự quan tâm của Nhà nước. Còn cuộc sống của quân và dân trên đảo Nhơn Châu còn gặp rất nhiều khó khăn, do xã Nhơn Châu là một xã đảo, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là đảo.

Theo chúng tôi được biết, từ bao năm nay, Đảng bộ và chính quyền xã Nhơn Châu đã rất nhiều lần đề nghị cấp trên công nhận xã đảo Nhơn Châu là xã đảo. Trong khi đó phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn lại có một số thôn được công nhận là thôn miền núi khó khăn và được hưởng chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Vì vậy, việc các cấp từ địa phương đến Trung ương cần phải công nhận xã Nhơn Châu là xã đảo để quân và dân trên đảo cùng được hưởng những chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước là một điều hết sức hợp lý và hợp tình.

Bài và ảnh: Viết Ý


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN