Nuôi cá tầm, cá hồi trên núi Pù Đồn: Ý chí của một doanh nhân Tày

Ông Hoàng Văn Khiêm (ảnh), một doanh nhân người dân tộc Tày Chợ Đồn (Bắc Kạn), đã từng lăn lộn ở nhiều môi trường kinh doanh. Gần đây, ông quyết định đầu tư trang trại nuôi cá tầm, cá hồi. Công ty TNHH Hợp Thành (Công ty Hợp Thành) xây dựng tại khu Vằng Hên, thuộc xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) trang trại ở độ cao trên 800 m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình trong năm luôn thấp hơn 3-4 độ so với thị xã Bắc Kạn. Đặc biệt, ở đây có mỏ nước chảy từ trên đỉnh Pù Đồn, có độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển.

Ông Khiêm cho biết: Sau một thời gian theo dõi nhiệt độ và các điều kiện cần thiết khác của mỏ nước này và được sự giúp đỡ của các kỹ sư Sở KH&CN, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn, đây là mỏ nước chảy quanh năm, trong mát từ trong lòng núi ra, nhiệt độ trung bình từ 15 đến 20 độ C, là điều kiện phù hợp có thể nuôi thành công cá hồi, cá tầm và một số loại cá có giá trị kinh tế cao.

Ý tưởng làm trang trại nuôi cá tầm, cá hồi ở khu vực Vằng Hên của ông Khiêm được manh nha từ năm 2009, khi ông xem chương trình nuôi cá hồi ở Lai Châu rất thành công, đặc biệt là ở Sa Pa. Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình, ông Khiêm đã bỏ ra rất nhiều thời gian đến thăm các trang trại ở vùng Đông và Tây Bắc, là những vùng có cùng điều kiện thời tiết, khí hậu khá tương đồng với Vằng Hên. Ông đã đến thăm trang trại của ông Trần Yên, của ông Cảnh ở Lai Châu. Ông cũng không quên tìm đến các Trung tâm Nghiên cứu thủy sản Sa Pa (Phân viện Thủy sản I - Bắc Ninh); thăm trang trại cá giống của ông Thìn ở Chi cục Thủy sản Lào Cai… để vừa trao đổi, học hỏi kinh nghiệm làm bể, làm hệ thống dẫn nước, cách chăm sóc cá, ở từng lứa tuổi, từng thời kỳ…

Khi đã nắm được cơ bản các bước của việc nuôi cá tầm, cá hồi, ông bắt tay làm bể, làm mương, ống dẫn nước, thiết lập các hệ thống bảo vệ và thuê cán bộ kỹ thuật, tuyển người làm. Tháng 7/2010, cá giống đã được vận chuyển về, với số lượng ban đầu khoảng 4.000 con, bao gồm 3.800 con cá tầm và 200 con cá hồi. Lứa cá đầu tiên này phát triển khá tốt, cá hồi sau một năm đa phần đạt được 1,5 kg/con; cá tầm đạt được 2 kg/con. Đến tháng 10/2010, ông Khiêm cho nhập tiếp 4.000 con cá hồi. Đến tháng 12/2010, ông lại nhập tiếp 4.000 con cá tầm. Quá trình nuôi, ông Khiêm thấy cá tầm mua về đợt tháng 12 chậm lớn hơn lứa đầu. Nguyên nhân được xác định, do lứa cá này bị lọc ra từ trại giống, nên cá không khỏe. Cá giống thường xuất vào tháng 7, tháng 8 hàng năm, những con giống còn lại thường bị chủ trại cá giống ép không cho lớn, nên cá già, ngót lại, mất lực nên chậm lớn.

Ông Khiêm tâm sự: “Nuôi được cá hồi, cá tầm, người nuôi phải hiểu chúng. Đặc biệt là khi thấy có hiện tượng bất thường của cá thì cần phải quan sát. Từ đó rút ra được tập tính sinh hoạt, ảnh hưởng của ánh sáng, thời tiết, không gian sống để điều tiết cho phù hợp”.

Ông đã nhiều đêm ngồi cạnh bể cá để quan sát xem tại sao cùng một loại nước, cùng chế độ ăn mà có bể, cá bị chết nhiều về ban đêm. Ông đã phát hiện cạnh bể cá này có một bóng điện, cá tầm thường ăn đêm, có điện sáng, cá tập trung vào một khoảng nước quá chật, gây thiếu ôxy cục bộ, dẫn đến cá chết. Còn cá hồi lại ngủ về ban đêm, nên cạnh các bể cá hồi không được thắp điện. Cũng từ những quan sát đó, ông phát hiện nếu đáy bể không đều, nhất là bể cá tầm, vì ban ngày cá tầm ngủ, nên chúng dồn vào chỗ sâu nhất của bể để ngủ cũng gây chết ngạt cục bộ…

Thức ăn của cá hồi, cá tầm vẫn phải mua từ các nước Pháp và Hà Lan với giá thành các loại thức ăn cho cá từng lứa tuổi có khác nhau từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. Mỗi ngày đêm (24 giờ) phải cho cá ăn 4 lần, với thời gian cách đều. Qua theo dõi sinh trưởng của cá nuôi tại đây, cho thấy cá lớn khá nhanh, bình quân, cứ 1 kg thức ăn cho 1 kg tăng trọng của cá. Thông thường sau 1 năm nuôi, cá sẽ tăng được khoảng 1-1,5 kg/con. Giá cá hồi bán lẻ tại chỗ là 350.000 đồng/kg, cá tầm là 400.000 đồng/kg. Nếu giao cất cho các nhà hàng, siêu thị, giá từ 250.000-300.000 đồng/kg. Sở dĩ giá thành cao vì ngoài giá trị dinh dưỡng thì thịt cá hồi, cá tầm được cho rằng có tác dụng chữa một số bệnh (tiểu đường, huyết áp...). Do đó, nếu nuôi thành công cá hồi, cá tầm sẽ mang lại một hướng sản xuất mới rất hiệu quả.

Đồng thời với nuôi cá hồi, cá tầm, hiện nay Công ty Hợp Thành còn có 4 ha đất rừng, dự kiến sẽ xây dựng khu du lịch sinh thái, công ty đã trồng được 2 ha keo, mỡ… và dự kiến sẽ mở rộng nuôi một số loại cá đặc sản chỉ có ở Bắc Kạn, như cá chạch, cá chày… một số giống gà, lợn rừng nguyên chủng để nuôi trong khu vực, với mục tiêu phấn đấu biến nơi đây trở thành điểm đến vừa để du lịch, tham quan, vừa nghỉ ngơi, tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành của vùng đất này.

Cái khó nhất của công ty hiện nay là vốn, việc tiếp cận vay vốn rất khó, chỉ được vay vốn ngắn hạn. Theo ông Khiêm, Nhà nước nên có chính sách cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi và vay trung, dài hạn để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, mở mang trang trại. Công ty đã đầu tư trên 4,5 tỷ đồng để làm 30 bể nuôi 40.000 cá thương phẩm, hệ thống mương dài 1.300 m, ống dẫn nước dài 400 m, cùng với 2 đập đầu mối. Kỹ thuật chăn nuôi cũng được ông chú trọng với việc thuê được một người có chuyên môn, say mê nuôi cá và một đội ngũ 15 thanh niên địa phương, được trả lương tối thiểu 2 triệu đồng/người/tháng.

Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn, ông Hoàng Văn Mão, cho biết: Chính quyền và nhân dân trong vùng rất mong Công ty Hợp Thành thành công với trang trại nuôi cá và biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái. Cái thuận lợi của địa danh này là gần hồ Ba Bể, chỉ cách hồ Ba Bể hơn 15 km. Nếu nơi đây trở thành khu du lịch, thì người dân của các thôn, bản ở xã Bằng Phúc và các khu vực lân cận sẽ có cơ hội mở mang dân trí, phát triển kinh tế - xã hội.

Bài và ảnh:Nguyễn Trình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN