Nỗi niềm khèn Mông

Nhạc cụ dân tộc Mông nói chung, chiếc khèn nói riêng là nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Mông. Thế nhưng, cùng với sự giao lưu và tác động của những yếu tố xã hội hiện đại, tiếng khèn Mông giờ đang thưa dần…


Mai một khèn Mông


Từ bao đời nay, cây khèn gắn liền với đời sống của đồng bào Mông. Văn hóa khèn cũng từ các tâm tư, tình cảm của họ mà “bước vào” cuộc sống. Theo các bậc cao niên người Mông, trước đây, khèn thường được sử dụng trong hai dịp: Một là trong đám tang để tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố (có nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc còn cho biết, trong đám ma theo đúng tập tục của người Mông, người ta thường tấu tới 33 điệu khèn. Có điệu khèn báo mất, khèn cúng cơm, điệu khèn cúng buổi sáng, điệu khèn cúng buổi chiều và buổi tối…).


Vẻ đẹp của khèn Mông làm say đắm những du khách.


Dịp phổ biến nữa là trong các sự kiện vui chơi sinh hoạt cộng đồng, để thi thố tài nghệ, bộc lộ ý chí, nghị lực của con người. Về điều này, cũng có nhiều ý kiến bổ sung thêm rằng khèn Mông còn được biểu diễn trong đám cưới. Nay, người Mông thường thổi khèn trong những dịp lễ hội, trong những ngày vui như chợ phiên hay ngày xuân…

 
Dịp Festival khèn Mông được tổ chức ở Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) tháng 11/2011, khi những nghệ nhân thổi khèn Mông được tôn vinh, những giai điệu khèn Mông được dặt dìu vang lên trước sự chú ý của đông đảo công chúng, cũng là lúc chúng ta nhận ra nó đang ngày càng mai một.


Thanh niên người Mông hiện rất thờ ơ với khèn Mông.


Có lẽ cũng vì thế mà nhiều địa phương các tỉnh phía Bắc đã và đang tổ chức những lớp học để vận động thanh niên Mông tìm về loại hình nghệ thuật này của dân tộc mình. Nói về hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị khèn Mông trong đời sống, ông Nguyễn Trùng Thương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức những lớp dạy khèn, thổi khèn, gìn giữ khèn. Ví dụ như ở huyện Hoàng Su Phì có hẳn một hội nghệ nhân dân gian hoạt động rất tốt, nhiều nghệ nhân cao tuổi hàng năm được hội tụ đến thi hát, thi thổi khèn. Bằng hình thức này, tôi tin rằng, các nghệ nhân của Hà Giang sẽ có cơ hội để dạy cho con cháu kế thừa, tiếp nối, để tiếng khèn Mông không bao giờ mất đi…”.


Qua tìm hiểu thực tế, những hoạt động này mới chỉ ở bề nổi, chưa phản ánh được sự phát triển hay mối quan tâm bảo tồn thực sự của chính quyền địa phương đối với khèn Mông. Trong số hơn 300 nghệ nhân tham gia biểu diễn tại Festival khèn Mông thì có tới quá nửa là những “nghệ nhân” nhí, có những em mới chỉ qua khóa “tập huấn” ngắn hạn để phục vụ cho Festival. Thậm chí có em chưa hề biết thổi một giai điệu nào, có chăng chỉ biết múa theo tiếng khèn thu sẵn phát ra từ loa sân khấu.


Theo ông Tải Đình Tinh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, phần thi tranh tài thổi khèn Mông có khá nhiều người đăng ký tham gia, ban tổ chức phải lựa chọn những nghệ nhân cao tuổi. Còn lớp trẻ chỉ tham gia “biểu diễn”.


Để giữ tiếng khèn


Nghệ nhân Ma Khái Sò - một trong số ít người nắm được những điệu khèn cổ, những bài hát từ thuở “khai thiên lập địa” của người Mông ở Hà Giang cho biết: Học thổi khèn thì dễ, nhưng để thổi thành bài, thành điệu, và đặc biệt là những điệu khèn cổ thì không phải ai cũng có thể học được vì có tới hàng ngàn bản nhạc, bài hát truyền qua đời này đến đời khác. Ông Sò cho rằng: “Bây giờ ít người giỏi khèn Mông lắm, làm được như tôi bây giờ ở Đồng Văn chỉ có vài người, ở Quản Bạ cũng chỉ có mấy người. Để đạt đến độ “thạo nhạc” thì cái khèn này học khó lắm. Cho nên mới nói, học chữ một năm có thể lên lớp 1, lớp 2, nhưng học cái này là hai năm nếu anh không chịu khó học thì cũng không thể học được nhiều, đã không học được nhạc thì không thể thổi được”.


Người thổi được những làn điệu khèn cổ hiện còn rất ít.


Nói đến bảo tồn âm nhạc thì không chỉ nói đến người dạy, người học mà còn phải nói đến không gian diễn xướng và công chúng thưởng thức. Thực tế, khèn Mông nay cũng không còn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống, sinh hoạt của lớp trẻ người Mông nữa. Thậm chí, ở nhiều nơi, nếu một người trẻ tuổi dân tộc Mông không biết thổi khèn cũng được coi là “bình thường”.


Sự thờ ơ của một bộ phận lớp trẻ trước truyền thống văn hóa dân tộc đó mới chính là điều khiến những nghệ nhân có tuổi lo lắng. Truyền nghề đã khó, nhưng trước mắt phải tìm được người muốn học nghề. Nghệ nhân Sùng Đại Dùng - cố vấn cho Festival khèn Mông và cũng là người đưa ra ý tưởng tổ chức Festival khèn Mông cho biết: Từ nỗi lo này mà việc tổ chức Festival khèn Mông được đưa ra, cũng là sự “hối thúc” của những nghệ nhân tâm huyết với tiếng khèn Mông. “Tôi đã nhiều lần đề cập và năm nay mới quyết tâm làm, mới làm được như thế. Tôi nói nếu không tổ chức đầu tư cho khèn Mông thì sẽ vứt hết, 10 năm nữa sẽ không có khèn Mông, khèn Mông là cái đại diện của dân tộc Mông, nên phải dạy, phải truyền để bọn trẻ giữ lấy nó”, ông Dùng nói.


Một Festival khèn Mông được tổ chức tốn nhiều công sức, nhưng để khèn Mông được bảo tồn và mãi là một phần trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người Mông thì thực sự cần đến những nỗ lực bền bỉ và sự đầu tư dài hơi của rất nhiều người trong cuộc…



Bài và ảnh: Song Hà

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN