Những tỷ phú cao su vùng biên giới Gia Lai

Những năm qua, phong trào phát triển cây cao su ở vùng biên giới được đông đảo đồng bào dân tộc tỉnh Gia Lai hưởng ứng tích cực. Việc phát triển cây cao su ở vùng biên vừa đảm bảo giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

 

Cây cao su đã giúp làng Hra thoát nghèo.

 

Đến thời điểm này, đã có hàng trăm hộ gia đình có thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng cao su. Nhiều người trong số họ đã thành lập công ty, tạo việc làm cho hàng trăm hộ dân khác.


Sinh ra và lớn lên ở làng Poong, thuộc xã biên giới Ia Dưk, huyện Đức Cơ, anh Rơ Mal Brao (dân tộc J'rai) là người đi đầu trong việc khai hoang, vỡ hóa đất đồi dốc để trồng cao su tiểu điền. Sau nhiều năm đầu tư công sức, đến nay, gia đình anh có 13 ha cao su, trong đó 8 ha đã cho khai thác mủ, mỗi năm cho thu nhập hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra gia đình anh còn có thu nhập từ 4 ha cà phê và gần 10 ha điều. Anh Brao kể: “Dù được quan tâm hỗ trợ rất nhiều, nhưng không phải lúc nào cũng chỉ dựa vào Nhà nước. Xác định được điều này nên mình đã chăm chỉ khai hoang, trồng cây cao su với hy vọng thoát nghèo. Bây giờ, gia đình mình đã ổn định và có dư rồi”. Ngoài Brao, trong làng còn rất nhiều hộ có từ 5 đến 7 ha cao su đã cho khai thác. Họ đã chủ động phát triển kinh tế, không còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa.


Xuất thân trong một gia đình thuần nông, kinh tế hết sức khó khăn, năm 1987 anh Ngô Công Đoan rời quê Thái Bình cùng gia đình vào lập nghiệp tại huyện biên giới Đức Cơ. Vào vùng đất mới, ban đầu anh cùng vợ xin vào làm công nhân Nhà máy chế biến gỗ Gia Lai. Được hơn một năm, nhà máy giải thể. Không cam chịu đói nghèo, anh Đoan bán 3 con bò là tài sản duy nhất của gia đình tích cóp được và vay thêm ngân hàng hơn 20 triệu đồng để đầu tư mua 5 ha đất rẫy cà phê.

 

Sau gần 4 năm trồng, chăm sóc, cà phê cho vụ thu hoạch đầu tiên, chẳng may vụ thu này lại đúng vào đợt cà phê rớt giá khiến gia đình anh đã khó khăn lại chồng chất khó khăn. Mặc dù tiếc nuối, song vợ chồng anh quyết định chặt bỏ cây cà phê để trồng ngô, sắn, đậu rồi dần chuyển sang trồng cao su. Vừa làm trên diện tích đất của gia đình, vừa đi làm thuê, tích cóp được đồng vốn nào vợ chồng anh lại vay thêm để mua đất trồng cao su. Sau 25 năm sinh sống và lập nghiệp ở vùng biên giới, nay anh đã có 40 ha cao su đang thời kỳ khai thác, hàng năm cho thu nhập hàng chục tỷ đồng. Anh Đoan chia sẻ: Mình xuất thân là bộ đội, ra đời với hai bàn tay trắng. Để có được thành quả như hôm nay, gia đình mình phải trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhiều khi ăn không no, ngủ không yên. Nhiều đêm trằn trọc, băn khoăn suy tính không biết phải nuôi con gì và trồng cây gì để nuôi sống gia đình chứ mơ gì đến làm giàu.


Ở Gia Lai còn có một tỷ phú nữa là anh Thái Hồng Nhân, Giám đốc công ty Xuất khẩu hàng Quang Đức. Anh Nhân cho biết: Năm 1979 anh tham gia nhập ngũ tại Sư đoàn 332, chuyên trồng và khai thác cây cao su (nay là Binh đoàn 15). Cuộc đời quân ngũ gắn với cây cao su đã cho anh ý tưởng thành lập công ty chuyên trồng và chế biến cao su. Năm 2000, sau khi nghỉ hưu, người lính này đã thành lập Công ty kinh doanh xuất khẩu hàng Quang Đức.

 

Sau gần 12 năm gây dựng, đến nay, công ty của anh đã có hơn 5.000 ha cao su ở 15 xã thuộc các huyện biên giới Đức Cơ và Chư Prông. Ngoài ra, anh còn xây dựng một cơ sở hạ tầng rộng hơn 5.000 m2 tại thành phố Plâycu vừa làm nhà ở, vừa làm trụ sở công ty với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng. Hiện nguồn vốn mà anh Nhân đã đầu tư cho cơ sở hạ tầng, vườn cây và xây dựng làng cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ổn định chỗ ở, yên tâm gắn bó với nghề có tổng trị giá hơn 500 tỷ đồng. Sau nhiều năm đầu tư, anh đã có gần 1.000 ha cao su cho thu hoạch; với mức thu bình quân khoảng 1 tấn mủ/ha cộng với giá thành hiện tại, công ty thu nhập gần 50 tỷ đồng.


Thành quả mà những tỷ phú trồng cao su trên vùng đất biên giới ở Gia Lai đạt được là nhờ trí lực, tâm huyết, quyết tâm vượt qua khó khăn. Họ xứng đáng là những tấm gương sáng để đồng bào dân tộc nơi đây noi theo, vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững.


Bài và ảnh: Nguyễn Hoài Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN