Những 'nhà khoa học chân đất' - Kỳ 2: Máy cày 'chuyên dụng' cho ruộng bậc thang

Với mong muốn sáng chế ra chiếc máy phù hợp với điều kiện canh tác của miền núi, sau nhiều năm nghiên cứu, chàng thanh niên Hoàng Đức Thắng, 36 tuổi, thợ sửa chữa xe máy ở thị trấn Na Hang, huyện Na Hang (Tuyên Quang), đã chế tạo thành công chiếc máy cày đa năng, đưa vào ứng dụng trên những cánh đồng bậc thang, góp phần giải phóng sức lao động cho bà con nông dân trên địa bàn.

 

Chiếc máy cày do anh Thắng sáng chế phù hợp với những mảnh ruộng nhỏ hẹp, địa hình khó khăn.

 

Thắng tâm sự: Lý do anh bắt tay vào sáng chế chiếc máy cày đa năng là vì nhiều bà con nông dân khi đến cửa hàng nhà anh sửa xe máy đã phàn nàn về nỗi khổ khi áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nhất là những khó khăn khi đưa máy cày vào những cánh đồng bậc thang có độ dốc cao để làm đất. Nhờ có kiến thức về nghề cơ khí, anh đã sử dụng động cơ của chiếc xe máy có dung tích xi lanh 100 cm3, gia công thêm hệ thống sàn, cơ cấu chuyển động, trục và hệ thống bánh xe… để chế tạo thành chiếc máy cày. Chiếc máy cày do anh sáng chế có 4 số, khởi động bằng bình ắc quy, có đèn chiếu sáng, bánh xe chế tạo cho từng chế độ cày, bừa và chuyên chở nông sản riêng…


Chiếc máy cày do anh Thắng chế tạo rất gọn nhẹ, chỉ khoảng 30 kg, có thể di chuyển trên mọi địa hình đồi dốc, ruộng bậc thang, giá bán khoảng 11 đến 12 triệu đồng/chiếc, thấp hơn từ 8 - 9 triệu đồng so với những chiếc máy cày đang bán trên thị trường.

 

Chiếc máy cày đa năng còn được dùng làm máy kéo sau khi thu hoạch nông sản.


Ông Hoàng Văn Quang, ở thôn Nà Kham, xã Năng Khả, huyện Na Hang - người đang sử dụng chiếc máy cày đa năng do Thắng sáng chế, cho biết: "Hầu hết ruộng của người dân trong xã là ruộng bậc thang, không những vậy, đường dẫn vào ruộng rất khó khăn, phải lội qua nhiều đồi, suối, máy cày không thể đưa vào được. Do vậy những năm trước để cày bừa ruộng phải dùng hoàn toàn bằng sức trâu. Từ khi sử dụng chiếc máy cày đa năng do anh Thắng sáng chế, tất cả những mảnh ruộng dù nhỏ hẹp, địa hình khó khăn thế nào cũng có thể đưa máy vào cày, bừa được hết. Ngoài sử dụng vào việc cày, bừa ruộng, chiếc máy cày đa năng còn được dùng để bơm nước và làm máy kéo sau khi thu hoạch nông sản rất tiện lợi".


Hiện anh Thắng đang làm thủ tục để đăng ký bảo hộ sáng chế chiếc máy cày đa năng do anh chế tạo. Anh Thắng chia sẻ, trong những năm tới, nếu có điều kiện, anh sẽ thành lập nhà xưởng chuyên sáng chế và cải tạo các máy nông cụ khác để đáp ứng nhu cầu thị trường, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn miền núi.


Bài và ảnh: Vũ Quang Đán

 

Kỳ cuối: Giúp đồng bào diệt sâu không cần thuốc

Những “nhà khoa học chân đất” - Kỳ 1: “Vua” sáng chế
Những “nhà khoa học chân đất” - Kỳ 1: “Vua” sáng chế

Anh nông dân Hứa Văn Long, dân tộc Tày, ở xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), được mệnh danh là “vua” sáng chế của tỉnh, với 2 sáng chế máy tách ngô và máy ép nén phân viên nén dúi sâu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN