Những người “gieo chữ” trên cao nguyên đá

Hà Giang là một trong số những tỉnh nghèo nhất cả nước. Người Mông chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 34%) trong cộng đồng 22 dân tộc anh em. Đến nay, cả tỉnh vẫn còn trên 50% hộ nghèo và cận nghèo.


 

Cô và trò lớp bán trú dân nuôi trường THCS xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh: Minh Tâm - TTXVN

 

dĐã từ lâu, sự nghiệp giáo dục ở Hà Giang vẫn trong cảnh “xóa mù” rồi lại “tái mù”. Những ngôi nhà tạm được gọi là trường, học sinh học dồn lớp vì không đủ trò và thiếu cả thầy. Trong hoàn cảnh ấy, thầy cô mà bám trụ được vài ba năm học ở nơi núi cao, rừng sâu, thiếu đủ thứ tối thiểu cho cuộc sống và đặc biệt là thiếu trò để dạy, đã có thể được coi là người dũng cảm.


Thế nhưng, giữa ngàn trùng đá, trên những bản xa mờ sương nơi biên giới vẫn có những cô giáo trẻ từ vùng núi thấp, từ miền quê rất xa, chấp nhận thử thách, khó khăn, làm công việc cao quí đi gieo con chữ cho đồng bào và con em các dân tộc vùng cao.


Cô giáo Đinh Thị Bài, người Kinh, là giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, chia sẻ về điều đã giúp cô đủ sức vượt qua những khó khăn; đó là tình yêu nghề và lòng mến trẻ, yêu thương học sinh dân tộc thiểu số. Xuất phát từ tình yêu nghề, thương trẻ nên sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Phú Thọ, cô giáo Đinh Thị Bài đã tình nguyện về làm giáo viên tiểu học ở xã Cán Chu Phìn xa xôi. 15 năm gắn bó với mảnh đất, con người Cán Chu Phìn, giờ đây cô đã nói thành thạo tiếng Mông. Trong muôn vàn khó khăn của người giáo viên vùng cao, sự khác biệt ngôn ngữ sẽ là rào chắn giữa người dạy và người học. Không biết tiếng đồng bào, làm sao mà nói chuyện vận động phụ huynh cho con em đến trường. Buổi sáng lên lớp giảng bài, buổi chiều, buổi tối, cô giáo lại vào bản gặp phụ hunh nói chuyện để họ đồng ý cho con cái ngày mai đi học tiếp...


Không riêng ở Cán Chu Phìn, ở bản nào trên vùng cao nguyên cực Bắc, các thầy cô giáo cũng đều phải đi vận động phụ huynh, năn nỉ học sinh đến lớp, đến trường; rồi đừng bỏ lớp giữa chừng, gắng đi học cho đủ giờ, đủ ngày. Bà con vùng cao vẫn có câu “Học cũng ăn ngô, không học cũng ăn ngô thì ở nhà giúp bố mẹ trồng ngô, đi học làm gì”.

 

Vì thế cho nên, việc vận động học sinh và phụ huynh tham gia vào sự nghiệp gieo con chữ là chuyện thường ngày của các thầy cô giáo vùng cao.
Cô giáo Đinh Thị Bài năm nào cũng vậy, dành từ khoản tiền lương eo hẹp của mình để mua thêm quyển vở, đồ dùng học tập hay cái áo mới cho học sinh nghèo trong lớp. Lòng yêu nghề, tình yêu thương trẻ ở cô giáo Bài đã làm thay đổi được suy nghĩ truyền thống trong nhiều gia đình dân tộc thiểu số; họ đồng ý và tạo điều kiện cho con em đi học cái chữ phổ thông. Các em học sinh thương cô trở nên chăm học; không bỏ trường, lớp giữa chừng. Lớp cô Bài năm nào cũng có học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện.


Sang huyện Yên Minh, về Trường Tiểu học Bạch Đích (trường vùng biên giới), nghe thầy cô và học trò, bà con dân bản kể về cô giáo Phan Thị Thơ. Là người dân tộc Bố Y, quê ở huyện Quản Bạ (một huyện vùng cao núi đá Hà Giang). Ngoài 40 tuổi, cô Thơ đã có 18 năm gắn bó với ngôi trường vùng cao biên giới. Có biết bao kỷ niệm buồn vui trong gần 20 năm đi gieo con chữ cho đồng bào dân tộc vùng cao, cô Thơ vẫn không bao giờ quên ánh mắt trẻ thơ mở to trên gương mặt hồn nhiên của các em mà cô bắt gặp trong ngày đầu tiên lên lớp.

 

Cô Thơ chia sẻ, đó chính là điểm tựa, là sự thôi thúc và lòng khát khao trong cô: Phải dạy cho các em biết chữ để cuộc sống các em, của bà con vùng cao không còn đói khổ. Cô mong ước một ngày nào đó cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học ở các điểm trường được cải thiện hơn, học sinh dân tộc thiểu số được học tin học... Ngôi trường của các em được đảm bảo an toàn trong mỗi mùa mưa bão...


Chuyện về những cô giáo đi “gieo con chữ” trên vùng cao núi đá hay ở vùng cao núi đất Hà Giang chắc chắn làm cho mỗi chúng ta, ai cũng từng trong đời đã là học sinh cũng như là phụ huynh, tin yêu thêm những người thầy, người cô đã và đang làm nhiệm vụ cao cả của cuộc đời - nhiệm vụ trồng người.


Công Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN