Nhiều dự án nuôi bò ở Cao Bằng có nguy cơ 'phá sản'

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về việc hỗ trợ giảm nghèo nhanh, nhiều hộ dân tỉnh Cao Bằng đã vươn lên thoát nghèo nhờ được hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Tuy nhiên, cũng nhiều hộ chưa kịp mừng vì có thêm nguồn giống phát triển sản xuất đã phải lo lắng, vì đàn bò lai không thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán chăn nuôi đã chết hàng loạt.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.


Xã Yên Sơn, huyện Thông Nông (Cao Bằng) được hỗ trợ 80 con bò cái, giống lai Sin theo chương trình hỗ trợ chuyển đổi giống gia súc, gia cầm của NQ 30a cho 80 hộ nghèo ở các xóm Khao Hạ, Khao Thượng, Cốc Trà, Nặm Cốp, Bó Rẹc, Chọc Mòn, Cốc Lùng, Vài Thai và Ngàm Vạng.

Bò giống có trọng lượng bình quân từ 140- 160 kg/con, trị giá khoảng 13 triệu đồng/con. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng nhận bò về nuôi, đã xuất hiện tình trạng bò chết do nhiễm lạnh và gầy yếu. Đến nay, toàn xã có 49 con bò chết hoặc quá yếu, nông dân phải bán bò với giá rẻ để mua bò giống địa phương về nuôi.

Tại xóm Ngàm Vạng có 6/7con bò được hỗ trợ đã chết. Hai xóm Cốc Lùng và Vài Thai có trên 80% số bò được hỗ trợ đã chết.

Anh Đặng Quầy Phin, xóm Cốc Lùng cho biết: “Nhận bò về, tôi cũng chăn tốt lắm. Nấu cháo, hái lá cây để chăn như bò nhà nhưng bò không chịu ăn. Không biết có phải tại mưa lạnh, không hợp thức ăn không nhưng bò cứ yếu dần rồi chết.”

Còn theo anh Dương Trọng Khôi, tổ trưởng tổ thực hiện NQ 30a xã Yên Sơn thì tình trạng bò chết là do không hợp khí hậu, không ăn các loại cỏ, cây rừng khá phổ biến.

Một số hộ có điều kiện, thấy bò gầy yếu đã chủ động báo cáo xã lập biên bản, bán bò gầy mua bò giống bản địa về nuôi. Năm 2011, có 30 hộ nghèo ở xã Yên Sơn được hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ mua bò giống theo mô hình giảm nghèo nhanh, bền vững.

Các hộ đối ứng thêm vốn để mua bò giống bản địa. Đến nay, 29 con phát triển tốt, 4 con đã sinh sản. Chỉ có 1 con duy nhất chết do bệnh tụ huyết trùng. Cùng một chính sách hỗ trợ bò giống nhưng cách làm khác nhau, hiệu quả cũng khác nhau.

Ông Nông Đình Quy, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn so sánh: “Cũng là chương trình NQ 30a, nhưng hai cách làm cho 2 kết quả khác nhau, chương trình hỗ trợ bò trực tiếp nhưng hỗ trợ theo mô hình, bà con được tự chọn bò theo ý của mình nên có ý thức, trách nhiệm, chăm sóc bò tốt hơn. Một chương trình bò chết hơn 1 nửa, một chương trình chỉ chết 1 con. Rõ ràng là hỗ trợ có đối ứng sẽ hiệu quả hơn".

"Vì vậy, nếu Nhà nước còn hỗ trợ bò, đề nghị chương trình nên cho bà con được tự chọn giống bò ở các vùng lân cận, thích nghi với khí hậu và tập quán chăn nuôi của địa phương. Nếu giá cao hơn, bà con sẽ cố gắng vay vốn đối ứng để mua được bò theo ý mình và có trách nhiệm chăm sóc tốt hơn”, ông Quy bổ sung.

Hơn 30 chú bò lai Sin còn sót lại ở Yên Sơn tuy đã có da, có thịt nhưng thể trạng kém, kén ăn và chậm lớn hơn so với bò bản địa.

Việc bò dự án chết hàng loạt ở Yên Sơn chỉ là một ví dụ điển hình, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn rất nhiều nơi xảy ra tình trạng này. Có những nơi, bà con còn dắt cả bò nên UBND xã để trả lại vì bò giống quá gầy yếu và kém chất lượng.

Hỗ trợ các huyện nghèo thực hiện Đề án giảm nghèo nhanh, bền vững là mục tiêu của NQ 30a, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với huyện nghèo và đồng bào DTTS. Để các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, cần khảo sát thực địa và nhu cầu của người dân trước khi triển khai. Nếu không, một chính sách ưu việt như chương trình hỗ trợ bò sinh sản của NQ 30a lại rơi vào tình trạng lãng phí, gây mất lòng tin của người dân.


Mạnh Hà (TTXVN)

Nông dân “điêu đứng” vì nuôi bò sữa tự phát
Nông dân “điêu đứng” vì nuôi bò sữa tự phát

Từ những tháng cuối năm 2014 đến nay, người chăn nuôi bò sữa ở các xã Tu Tra, Đạ Ròn (huyện Đơn Dương) – vùng nuôi bò sữa tập trung lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng - đang thấp thỏm lo lắng với đầu ra cho sản phẩm sữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN