Nhiều biện pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện đời sống

Đắk Nông có diện tích 651.438 ha, với số dân hơn 492.000 người, bao gồm 40 dân tộc anh em. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có hơn 162.000 người, chiếm 33%, sống rải rác trong 133 bon, buôn trên địa bàn toàn tỉnh.

Nhiều bon, buôn, đồng bào DTTS nằm ở vùng sâu, vùng xa, căn cứ cách mạng, giáp biên giới... nên địa hình chia cắt, cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Vì vậy, dân cư sống không tập trung, dân trí thấp và một bộ phận nhỏ sống du canh, du cư.

Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, giải pháp giúp bà con ổn định và cải thiện cuộc sống.

Việc sản xuất, canh tác của phần đông đồng bào DTTS hiện chủ yếu vẫn là gieo, trồng cây hoa màu ngắn ngày, nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhiều nơi còn mang nặng tập tục sản xuất cũ, lạc hậu, manh mún. Những loại cây công nghiệp dài ngày, hiệu quả kinh tế cao, như cà phê, điều, tiêu, cao su…vẫn chưa được phát triển. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác của đồng bào DTTS còn chậm, chưa đi sâu vào thâm canh cây trồng, vật nuôi; sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên. Một số vùng có điều kiện phát triển lúa nước nhưng chưa được bà con quan tâm. Chăn nuôi chậm phát triển, mang tính nhỏ lẻ, theo hình thức thả rông. Nhiều bon, buôn có điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc, như trâu, bò nhưng chưa được bà con chú trọng. Thu nhập của đồng bào DTTS đa phần còn rất thấp, đời sống kinh tế bấp bênh, nhiều hộ phải cứu đói giáp hạt; trình độ văn hóa- xã hội còn lạc hậu, tình trạng mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại…

Hỗ trợ bò cho nông dân ở xã Chư K’nia (Chư Jút, Đắk Nông) giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhằm cải thiện đời sống. Ảnh: Hương Thơm


Trước thực trạng này, lãnh đạo tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp giúp bà con DTTS phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống. Số hộ nghèo giảm rõ rệt và nhiều gia đình đã biết cách làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo; xây dụng nhà cửa kiên cố, mua sắm dụng cụ, phương tiện, máy móc phục vụ sinh hoạt và sản xuất…

Điển hình phải kể đến công tác kết nghĩa giữa các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế… với các bon, buôn đồng bào DTTS. Toàn tỉnh Đắk Nông đã có 75 cơ quan, đơn vị đã kết nghĩa với 72 bon, buôn đồng bào DTTS tại chỗ. Sau khi tổ chức lễ kết nghĩa, các đơn vị kết nghĩa có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thường xuyên liên lạc và giữ mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của bon, buôn; phân công cán bộ xuống tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và đời sống thực tế của bà con; làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư… Nhiều đơn vị bộ đội biên phòng của tỉnh thực hiện công tác dân vận với phương châm “4 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng với đồng bào, đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa đơn vị với bà con địa bàn đóng quân.

Qua hơn 6 năm thực hiện công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các bon, buôn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả thiết thực. Các cơ quan, đơn vị đã chú trọng hướng dẫn cách làm ăn, phổ biến ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất, chăn nuôi. Nhiều đơn vị đã xây dựng các mô hình trình diễn về thâm canh cây trồng, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Đáng chú ý là Trung tâm khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trạm khuyến nông các huyện triển khai nhiều đợt tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, thâm canh cây lúa lai, tre lấy măng; triển khai mô hình trình diễn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, lợn thịt hướng nạc, nhiều hộ dân trong bon, buôn đã vận dụng thành công các kiến thức đã được tập huấn áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi và đã cho kết quả thu nhập đáng kể. Một số hộ đồng bào DTTS đã định hướng phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi hàng hóa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Y Thịnh cho biết: Đến nay, đời sống kinh tế của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều hộ đã mua sắm được các vật dụng sinh hoạt gia đình, phương tiện đi lại đắt tiền; các loại máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến, vận chuyển… Nhiều bon, buôn, 100% hộ dân đều có xe máy, như: Bon R’ long Phe, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong; bon Ol-Bu Tung, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp… Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 56% (năm 2004), đến nay còn 41,3%. Số hộ đói giáp hạt, đói quanh năm còn không đáng kể. Nhà cửa của đồng bào DTTS có xu hướng kiên cố hóa và ngày càng khang trang hơn.

Hiện cơ sở hạ tầng tại một số bon, buôn đã tương đối hoàn chỉnh với hệ thống đường giao thông được nhựa hóa; điện, nước sinh hoạt đã đến được với đa số hộ dân; nhà văn hóa cộng đồng được sử dụng có hiệu quả; khoảng 60% các bon, buôn đã được đầu tư xây dựng trường tiểu học, mẫu giáo, khắc phục tình trạng bỏ học giữa chừng do giao thông đi lại khó khăn… Tại các bon, buôn, đời sống văn hóa và tinh thần bà con đã có nhiều chuyển biến tích cực; các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được đẩy lùi; các sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống tốt đẹp đã dần được khôi phục và phát huy, như: Lễ hội đâm trâu, cúng được mùa; nghệ thuật cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm, đan lát… dần được khôi phục.

Lê Bá Lư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN