Nhà rông - Không gian thiêng của đồng bào Bana

Nhà rông – ngôi nhà chung của cộng đồng, đã trở thành biểu tượng văn hóa của các dân tộc ở Tây Nguyên. Đây là không gian tâm linh, tín ngưỡng, nơi diễn ra mọi sinh hoạt thiết yếu, cố kết cộng đồng, đồng thời cũng là không gian diễn ra mọi hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống, bao bọc và sản sinh nhiều giá trị văn hóa tinh thần, nghệ thuật đặc sắc.

Nhà Rông Bana tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn thu hút đông đảo du khách tới thăm quan.


Tuy nhiên, trong xu thế phát triển kinh tế xã hội hiện nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường và những diễn biến phức tạp của xã hội, nhà rông và các hoạt động văn hóa cộng đồng của các dân tộc ở Kon Tum đang mất đi hoặc có những biến đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau. Điều này đã, đang và sẽ khiến nhiều người yêu thích và nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, cũng như đồng bào Bana không khỏi suy nghĩ và trăn trở.

Già A Wer dân tộc Bana, làng Kon Rbàng, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), cho biết: Đối với đồng bào Bana, nhà rông rất quan trọng. Theo quan niệm của người Bana, nếu làng không có nhà rông thì là làng đàn bà. Nhà rông trong quan niệm của đồng bào Bana là một không gian linh thiêng, chỉ có con trai từ 14 tuổi trở lên mới được ngủ qua đêm trong nhà rông. Đã là con trai Bana thì ai cũng phải biết đánh cồng, chiêng và làm nhà rông, nên việc xây dựng nhà rông ở Kon Rbàng đã có từ rất lâu. “Năm 1930, dân làng Kon Rbàng bắt đầu dựng nhà rông đầu tiên, nhưng nhà rông đó nhỏ hơn nhà rông bây giờ. Ngày đó, để làm được một nhà rông rất vất vả do người dân thiếu kinh nghiệm, nhà nhỏ với diện tích sử dụng chỉ khoảng 25 m2, chiều dài 9 m, rộng 3,5 m, gian giữa 4 m 30 cm, chiều cao từ mặt đất lên nóc nhà 10 m. Đến năm 1940, khi dân số phát triển, trước những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và những cuộc họp của làng nên các già làng, thôn trưởng đã họp bàn cần xây dựng nhà rông lớn hơn” – Già A Wer chia sẻ.

Ông Bùi Ngọc Quang, cán bộ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết: Nhà rông là ngôi nhà chung, là không gian thiêng của cộng đồng dân tộc Bana. Người Tây Nguyên có tín ngưỡng đa thần giáo, họ cho rằng mọi vật luôn có Yàng (Trời) chế ngự, trong những ngôi nhà rông cũng có Yàng chú ngụ, nên họ chăm sóc nhà rông như nhà ở của mình. Nhà rông còn là nơi diễn ra tất cả các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, là nơi sinh hoạt cộng đồng, biểu thị sức mạnh của cộng đồng. Người Bana quan niệm: Nơi nào nhà rông càng to, cao, đẹp thì đó là buôn làng giàu có và thịnh vượng. Chính là nơi diễn ra sinh hoạt đời thường của đồng bào, nên nhà rông luôn được thanh niên trong buôn, làng chọn làm nơi giao lưu, tập đánh chiêng, đánh trống, ngủ đêm, đan lát... Đây còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa tập thể, là nơi trực của thanh niên bảo vệ buôn, làng.

Sau nhiều năm sống và làm việc ở Tây Nguyên, ông Bùi Ngọc Quang đã khảo sát rất nhiều nhà rông của đồng bào. Theo ông Quang, những năm 1980 trở về trước, tại các buôn, làng Kon Tum, nhà rông được dựng rất nhiều, nhưng nay nhà rông đang dần mai một. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của tỉnh Kon Tum, năm 1999 số nhà rông cộng đồng ở các buôn, làng chỉ còn 300 ngôi, trong đó còn rất ít nhà có thể sử dụng được, vì đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân là nhận thức của người dân đã thay đổi, họ không còn quá tin ở tín ngưỡng. Ý thức của người dân và việc chính quyền ít coi trọng bảo vệ các thiết chế văn hóa, cộng với yếu tố đô thị hóa đã làm thay đổi diện mạo buôn, làng.

Quá trình giãn dân, tách hộ, lập vườn để xây nhà ở diễn ra nhiều, nên không còn những diện tích rộng để dựng nhà rông chung của cộng đồng. Đặc biệt là sự can thiệp của chính quyền địa phương: Ít có sự đầu tư và khi đầu tư dựng nhà rông lại mang tính áp đặt, nhiều nhà rông làm bằng xi măng, không còn mang tính truyền thống. Kết cấu vật chất nhà rông thay đổi nhiều, nay chỉ còn 40% nhà rông được làm bằng tranh, tre, lứa, lá; 60% nhà rông được làm bằng bê tông, lợp mái tôn và nó biến thành những hội trường, tính truyền thống của không gian thiêng đang mất dần đi. Mặt khác, việc tìm nguyên, vật liệu như tranh, tre, gỗ để dựng nhà rông truyền thống khó khăn nên nhà rông Tây Nguyên đang có xu hướng giảm dần.

Từ thực tế này cho thấy, công tác bảo tồn nét văn hóa truyền thống của nhà rông Tây Nguyên là việc làm cần thiết. Việc dựng nhà rông của đồng bào Bana ở Bảo tàng dân tộc học Việt Nam sẽ giúp cho nhân dân các dân tộc hiểu rõ hơn sự cần thiết về công tác bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc.

Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN