Nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Tổ tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Ngày 28/1 (tức mồng 6 Tết), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức Hội Vui Xuân Tết Nhâm Thìn 2012, giới thiệu đến công chúng một số nét văn hóa đặc sắc qua trình diễn các trình diễn nghê thuật dân gian, trò chơi dân gian, ẩm thực dân gian…


Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Nguồn: Internet


Đặc biệt, lần đầu tiên Bảo tàng tập trung giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Tổ Phú Thọ qua các điệu hát Xoan của phường An Thái; trình diễn làm bánh tai; chơi trò chơi bắt chạch trong chum gắn với tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội ở Tiên Du, Phù Ninh; các điệu múa dân gian và đi cà kheo thả đũa vào chai của dân tộc Cao Lan ở làng Ngọc Tân, Ngọc Quan, Đoan Hùng.


Trình diễn nghệ thuật dân gian hát Xoan vừa được Unesco công nhận là di sản văn hoá phi vật thể thế giới. Đây là một loại hình hát múa trình diễn thờ Thần trước án nhang trong đình. Những điệu hát múa Trống quân rộn ràng, nồng ấm; hát múa Bỏ bộ diễn tả các công việc hàng ngày của cư dân trồng lúa nước; hát Thuyền chèo cách thể hiện ước vọng bội thu của những người làm nghề chài lưới trên các dòng sông Lô, sông Thao, sông Hồng; hát múa Mời rượu với ý nghĩa giao hòa trời đất và chúc phúc.


Hát Đúm là phần sôi động và lôi cuốn nhất trong cuộc hát Xoan, vì đây là tiết mục giao lưu hát đối đáp giữa các chàng trai làng và các đào. Hát Xin huê Đố chữ thể hiện trao duyên giữa đào Xoan với các chàng trai làng sở tại và khả năng giải chữ Hán Nôm của các cô đào. Hát múa Mó cá gửi gắm ước vọng sinh sôi nảy nở qua hành động giả làm lưới vây kín các chàng trai của các cô gái... Các chàng trai, cô gái người Cao Lan sẽ trình diễn một số điệu múa dân gian như múa xúc tép, múa chim gâu... và màn trình diễn sôi động đi thi cà kheo bỏ đũa vào chai.


Cùng với các tiết mục múa - hát Xoan, công chúng có cơ hội giao lưu trực tiếp với các đào Xoan qua hoạt động thử mặc trang phục, chơi nhạc cụ dân gian và học cách múa - hát cùng các đào Xoan.


Ngoài ra còn có các trình diễn múa rối nước dân gian với các tích trò độc đáo vui nhộn gắn với cuộc sống của người nông dân; hát ca trù của câu lạc bộ Unesco là cơ hội cho du khách thưởng thức một loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam đã được Unesco công nhận là di sản văn hoá phi vật thể thế giới. Các nhà thư pháp sẽ viết tặng chữ cho du khách cũng như du khách có thể tự tay viết chữ tặng người thân tại góc hoạt động “thử làm nhà thư pháp”; tự in tranh Đông Hồ…


Một số trò chơi được giới thiệu nhằm giúp công chúng tìm hiểu các nét tương đồng và khác biệt như đánh cầu lông gà (Hmông, Pà Thẻn), đánh cù (Hmông, Dao, Nùng), ném còn (Thái, Tày), rồng rắn lên mây, nhảy dây (Việt, Thái), đi cà kheo (Việt, Cao Lan)… Về ẩm thực, du khách sẽ được tìm hiểu cách làm bánh tai - một đặc sản của vùng Phú Thọ và bánh bác, bánh cuốn của vùng Cao Xá, Đức Thượng, Đan Phượng, Hà Nội. Du khách còn được thưởng thức các món ăn truyền thống do chính người Tày ở Lạng Sơn làm như lợn quay, xôi màu, bánh sừng bò, bánh phồng…


Năm nay, công chúng sẽ được hướng dẫn tham gia hoạt động tìm hiểu 12 con giáp như nặn tò he, vẽ và tô màu tranh 12 con giáp cũng như tô vẽ một số con giáp bằng gốm. Hoạt động này tạo điều kiện cho các em nhỏ được khám phá thông tin về con giáp liên quan đến tuổi của mình và tự tay tạo ra các con vật ngộ nghĩnh bằng cánh nặn, tô, vẽ.

TTXVN/ Tin Tức

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Ngày 9/1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và làm việc tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. PGS, TS, Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã báo cáo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang những nét chính về hoạt động của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN