Nâng cao thương hiệu miến dong của người Dao

Miến dong đã được người Dao ở huyện giới Bình Liêu (Quảng Ninh) chế biến từ nhiều năm nay nhưng chỉ ở dạng tự sản tự tiêu.

Mấy năm trở lại đây, nhờ áp dụng công nghệ tiến tiến, sự hỗ trợ của huyện, tỉnh, miến dong đã được người Dao “nâng tầm” thương hiệu, chinh phục được nhiều thị trường như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... và thành món quà quê quen thuộc của những thực khách mỗi khi có dịp đến với mảnh đất này biên ải này.

Ảnh: Internet


Bình Liêu là huyện miền núi nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, giao thông đi lại khó khăn, có 5 dân tộc anh em sinh sống, trong đó trên 90% là dân tộc thiểu số, chiếm số đông là đồng bào người Dao. Trước đây, nghề chế biến miến dong xuất hiện ở Bình Liêu, tại các thôn bản thuộc xã Húc Động, Đồng Tâm, Tình Húc... Từ năm 2003, nghề trồng và chế biến miến dong thật sự “sống lại” ở vùng đất khó này với quy mô lớn. Hiện huyện Bình Liên có vùng nguyên liệu lên tới trên 200 ha trồng cây dong riềng. Để có được diện tích trên, huyện đã vận động và hỗ trợ giống, vốn để bà con, trong đó có đồng bào người Dao trồng loại cây này.

Chị Lài Thị Trình, người dân tộc Dao, ở thôn Pắc Pò, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu cho biết: Gia đình có một mẫu cây củ dong riềng, vào cuối năm đào củ về bán cho nhà máy chế biến của huyện, mỗi vụ cũng thu được trên chục triệu đồng. Nhờ cây dong, nhà tôi mua được xe máy, tậu được trâu, nuôi được con ăn học. Cũng giống như gia đình chị Trình, ở Bình Liêu có tới 3.000 hộ dân đồng bào dân tộc tham gia trồng cây dong riềng. Do phù hợp với chất đất, khí hậu, bà con các dân tộc gieo trồng sạch, không thuốc bảo vệ thực vật nên đã chất lượng củ nhiều bột, ngon, ít nơi sánh kịp, càng làm cho miến dong ở Bình Liêu giữ được chất lượng.

Ông Nguyễn Xuân Bách, Phó giám đốc Công ty thương mại dịch vụ Bình Liêu - một công ty được UBND huyện thành lập để chế biến và tiêu thụ miến cho bà con chia sẻ: Miến dong Bình Liêu ngon phải đảm bảo các yếu tố ròn, dai, không nát, trắng trong, không sạn. Được chế biến theo kiểu truyền thống nên miến Bình Liêu luôn “cháy” hàng không chỉ vào dịp Tết, dù giá cao hơn so với một số loại miến bày bán trên thị trường. Công ty quản lý rất chặt các khâu sản xuất, sau khi đồng bào thu hoạch, sẽ được công ty thu mua về chế biến theo quy định đã được cơ quan chức năng cấp phép.

Cây dong đã tạo thêm được nhiều việc làm cho đồng bào dân tộc. Bã miến dong có thể dùng chăn nuôi lợn rất tốt. Năm 2010 có bản ở xã Húc Động đã mua được vài chục chiếc xe máy từ tiền bán củ dong riềng cho công ty. Một khách hàng ở TP Hạ Long “nghiền” miến dong Bình Liêu vui vẻ nói: Đã từ nhiều năm nay, cứ vào dịp cuối năm tôi lại lặn lội hàng trăm cấy số về tận “xứ sở của miến” để mua hàng yến về ăn dần và cho, biếu người thân vì đây là loại miến sạch một trăm phần trăm.

Để giữ được nét đặc trưng của miến dong, năm 2007 – 2008 huyện Bình Liêu đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền thương hiệu "đặc sản miến dong Bình Liêu”, có đăng ký mã số mã vạch đồng thời khuyến cáo đồng bào trồng, chăm bón dong riềng không dùng hoá chất độc hại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cây miến dong từ chỗ trồng nhỏ lẻ, nay đã có cơ hội phát trỉển thành vùng nguyên liêu rộng lớn, giúp người dân thoát nghèo.

Ông Lục Văn Chắn, Phó Bí thư Huyện uỷ Bình Liêu khẳng định: Cây dong riềng rất phù hợp với người dân Bình Liêu, vì đa phần là người dân tộc thiểu số, trình độ thâm canh còn hạn chế, trong khi loại cây này trồng đơn giản nhưng cho thu nhập ổn định. Thời gian tới, huyện có kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu trồng cây dong riềng lên khoảng 1000 ha, tạo việc làm cho đồng bào, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường./.

Mạnh Khánh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN