Nâng cao đời sống đồng bào Khmer

Vĩnh Long hiện có trên 21.800 người Khmer, sinh sống tập trung ở 48 ấp, 10 xã và 1 thị trấn thuộc các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm.

Trong đó, có 3 xã nghèo, đời sống đặc biệt khó khăn, đã được hỗ trợ theo Quyết định 135/1998/QĐ-TTg, là xã Tân Mỹ, Trà Côn (huyện Trà Ôn) và xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình) từ năm 1999 đến nay.

Chương trình 135 đã làm thay đổi khá toàn diện bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer, tạo điều kiện cho đồng bào hưởng thụ văn hóa, đi lại, phát triển dịch vụ, được chăm sóc sức khỏe cộng đồng, con em đồng bào dân tộc Khmer đến tuổi đi học thuận tiện hơn so với trước. Đến nay, 3 xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình), Tân Mỹ và Trà Côn (huyện Trà Ôn) đã được Chính phủ công nhận ra khỏi Chương trình 135.

Hàng năm, Vĩnh Long luôn ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhằm nâng cao đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm từ 2-4%. Bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã xây mới 2.779 căn nhà với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng; trong đó, có 306 căn của các hộ Khmer nghèo được hỗ trợ theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

Như vậy đến nay, Vĩnh Long đã cơ bản giải quyết xong nhà dột nát cho đồng bào Khmer trong tỉnh. Các huyện trong tỉnh đã giúp 4.787 hộ có nước sạch để sử dụng, 181 hộ được hỗ trợ đất để ở; hỗ trợ 4.358 hộ dân tộc nghèo và cho vay 3,302 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Tính chung từ năm 1999 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư gần 100 tỷ đồng để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Ông Văn Hiến Vĩnh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Dù Vĩnh Long đã cơ bản xóa nhà dột nát trong đồng bào Khmer từ năm 2011, nhưng bước sang năm 2012 và những năm tiếp theo, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các huyện, xã có đông đồng bào Khmer đang sinh sống rà soát để có phương án tìm nguồn hỗ trợ tiếp về nhà ở cho số hộ nghèo phát sinh; đồng thời, giúp vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật… cho bà con phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững”.

Phạm Thị Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN