Nậm Cang giàu lên từ rừng

Nậm Cang là một xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Sa Pa (Lào Cai). Người dân nơi đây bao đời nay chỉ biết phá rừng làm nương rẫy, trồng ngô, lúa, nên đã nghèo lại càng nghèo hơn.


Để giúp người dân thoát khỏi đói nghèo, tập thể lãnh đạo xã đã đồng tâm hiệp lực đề ra phương châm “Còn rừng là còn tất cả và dân Nậm Cang sẽ giàu lên từ rừng”.

Chủ tịch UBND xã Nậm Cang Vù A Long cho biết, toàn xã hiện có 1.425 khẩu. Trước năm 2000, gần 80% số hộ đói nghèo; trên 70% dân số mù chữ; gần 30% số hộ gia đình có người nghiện thuốc phiện... cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển của xã gần như chưa có gì.


Trong thời gian gần đây, phong trào thi đua yêu nước đã lan tỏa đến các bản làng trong toàn xã, từ đó đã xuất hiện những tấm gương điển hình tiên tiến đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình như mô hình trồng cây thảo quả với diện tích trồng tăng nhanh qua các năm. Hiện nay, 100% số hộ gia đình của Nậm Cang có nương thảo quả với diện tích từ vài nghìn m2 đến trên 10 ha.


Tổng diện tích cây thảo của xã hiện nay trên 600 ha, năm 2009 đạt sản lượng trên 110 tấn, tăng 36 lần so với năm 2000 và cho thu nhập khoảng 20 tỷ đồng. Với đặc điểm của cây thảo quả là sinh trưởng và phát triển ở dưới tán rừng già, nên người dân phải giữ và trồng rừng. Vì vậy tỷ lệ tán che phủ rừng của xã tăng nhanh từ 50% năm 2000 lên 70% năm 2009.

Để thay đổi tập quán canh tác còn nhiều lạc hậu của nhân dân trong xã, Đảng ủy, UBND đã chủ động tham mưu cho tỉnh, huyện lồng ghép các chương trình 134, 135 cũng như các hạng mục đầu tư được phê duyệt trong Đề án xây dựng xã anh hùng, để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, giúp nhân dân trồng lúa nước. Đồng thời xã đưa giống lúa mới vào trồng.


Do chủ động được nguồn nước tưới và biết sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu... nên hiện nay nhân dân trong xã đã canh tác được 2 vụ lúa và 1 vụ màu trên diện tích đất nông nghiệp, thay cho chỉ canh tác 1 vụ lúa như trước đây. Từ đó, sản lượng lương thực của xã liên tục tăng lên, lương thực bình quân đầu người của xã tăng từ 190 kg/người/năm (năm 2000) lên 500 kg/người/năm (năm 2009).

Đổi thay ở xã miền núi.


Để thực hiện tốt công tác cai nghiện, Chủ tịch UBND xã Vù A Lòng cho biết: Xã đã giao cho cán bộ, đảng viên giúp đỡ người nghiện cai nghiện tại nhà đối với người trên 50 tuổi; đối với số còn lại tổ chức cai nghiện tập trung tại xã.


Đồng thời xã phá bỏ toàn bộ diện tích trồng cây thuốc phiện, quản lý chặt các đối tượng buôn bán thuốc phiện và phối hợp với Công an huyện bắt, lập hồ sơ truy tố hoặc đưa đi cải tạo. Đến nay, xã không còn người nghiện, không có người trồng hoặc buôn bán thuốc phiện, không có tệ nạn trộm cắp, đánh bạc.

Trong suốt thời gian dài, những phong tục tập quán lạc hậu ở địa phương như: Người chết để lâu trong nhà, khi đi chôn không đưa vào áo quan… thường phổ biến ở đồng bào dân tộc Mông; hay việc thách cưới cao ở dân tộc Dao; tảo hôn ở cả hai dân tộc Mông và dân tộc Dao đã tồn tại trong đời sống người dân...


Để hạn chế, tiến tới bỏ hẳn những phong tục tập quán lạc hậu trên, cán bộ, đảng viên trong xã đã gương mẫu làm trước. Đến nay cơ bản các phong tục tập quán lạc hậu của nhân dân đã được cải thiện và xóa bỏ.

Từ chỗ đói nghèo và lạc hậu, đến nay, xã Nậm Cang đã có sự thay đổi nhanh chóng. Toàn xã không còn nhà tạm, 100% nhà được ngói hóa, có điện lưới quốc gia.


Gia đình nào cũng có xe máy, 90% hộ gia đình có ti vi; 90% hộ gia đình có bể nước sạch nông thôn; trên 80% hộ gia đình có nhà vệ sinh hợp quy cách. Internet không dây đã được phủ sóng đến nông thôn, điện thoại di động bây giờ với người dân không còn là chuyện hiếm... Cả 3 cấp trường và trạm y tế của xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia...

Có được kết quả này là do Nậm Cang đã phát huy khối đại đoàn kết, các dân tộc Mông - Dao thường xuyên tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm thi đua cùng nhau làm giàu. Làm tốt công tác bảo vệ rừng, trồng, nuôi rừng để giữ nước, bảo vệ môi trường.


Cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ lạc hậu, bảo tồn, phát huy văn hóa Mông - Dao như múa, hát, lễ hội. Làm công trình vệ sinh như nước sạch, nhà vệ sinh. Phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình; nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã thôn; làm tốt quy chế dân chủ, đảm bảo mọi việc từ Đảng đến dân phải đồng thuận, phải đặt lợi ích của dân lên trên hết.

Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN