Mùa kéo vợ của người Dao ở Vàng Ma Chải

Vàng Ma Chải là xã biên giới, nằm cách thị xã Lai Châu khoảng gần 100km, có hai dân tộc sinh sống, trong đó người Dao đỏ chiếm 90% dân số. Vào mùa xuân, khi tiết trời ấm dần, các chàng trai nhộn nhịp rủ nhau đi kéo vợ. Tục lệ này đã có từ xa xưa và nó đã được gìn giữ đến hôm nay. Đây là nét đẹp văn hóa phong phú của một dân tộc và nó cũng đã lược bỏ dần những yếu tố không phù hợp với thời hiện đại.

Đầu năm tưng bừng mùa kéo vợ.


Ngày đi kéo vợ không quan niệm kiêng kị ngày tốt xấu và nó kéo dài cho hết năm, nhưng diễn ra rầm rộ nhất là từ ngày 16/1 đến hết tháng Ba âm lịch và chỉ kéo người cùng dân tộc. Khi chàng trai định được ngày đi kéo vợ thì nhờ bạn bè hay anh em cùng đi kéo giúp, trước lúc đi có dặn bố mẹ “Hôm nay con đi kéo vợ, bố mẹ ở nhà chuẩn bị”. Nghe con trai nói vậy, bố mẹ sẽ dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ và bắt một con gà trống nhốt lại để đón cô gái mà con trai mình kéo về. Thấy con trai kéo cô gái về đến cổng thì người mẹ, hay chị em gái ra cửa đón cô gái vào nhà và dặn dò, khuyên nhủ. Sau đó đưa cô gái vào bếp hướng dẫn nấu cơm, chàng trai phụ giúp làm gà, chẻ củi, lấy nước... cho cô gái.

Mẹ chàng trai ân cần động viên và căn dặn cô gái mà con trai kéo về.

Cô gái vào bếp để chuẩn bị bữa cơm cho gia đình chàng trai.

Bố mẹ của chàng trai phấn khởi chuẩn bị trang phục cho cô gái là cô dâu tương lai của gia đình.

Bữa cơm đầu tiên tại nhà chàng trai nên cô gái e thẹn, nhưng mẹ chàng trai và chàng trai ngồi cạnh động viên, vỗ về cô gái.

Sáng ngày hôm sau, gia đình chàng trai cử người đến nhà cô gái để báo và mời bố mẹ cô gái đến nhà nói chuyện. Hai bên gia đình gặp mặt và thống nhất với nhau lễ vật đám cưới mà nhà trai phải nộp và ngày dạm hỏi, ngày cưới thì lúc ấy chàng trai mới được ngủ cùng cô gái như vợ chồng. Nếu bố mẹ chưa đồng ý thì khi kéo về nhà cô gái vẫn phải ngủ với chị, em hoặc mẹ chàng trai. Trường hợp bố mẹ cô gái không đồng ý mà cô gái đã phải lòng chàng trai thì bố mẹ cũng phải chấp nhận, nếu cô gái không đồng ý thì gia đình chàng trai không giữ mà để cô gái ra về. Tuy nhiên, tiến bộ hơn ngày xưa là phần lớn các đôi trai gái này đã biết và để ý nhau rồi. Người Dao đỏ cũng có tục ở rể, chuyện ở rể là do thoả thuận giữa hai bên gia đình, nhưng nhiều nhất là ba năm.

Đêm đầu tiên chàng trai kéo được vợ về thì anh em trong bản kéo đến trước nhà đốt lửa cùng nhau hát hò chúc mừng chàng trai, cô gái.

Dù kéo vào thời gian nào, dù gia đình đồng ý, nhưng theo tục lệ của người Dao đỏ ở đây phải chờ đến tháng 10 hay tháng 11 âm lịch mới tổ chức cưới, lúc ấy mùa màng thu hoạch xong, chuẩn bị đón năm mới thì anh em, họ hàng gần xa về dự đông vui và chúc phúc cho đôi bạn trẻ chung sống hòa thuận, hạnh phúc.

Bài và ảnh: Việt Hoàng

Lên Vàng Ma Chải xem người Dao đỏ kéo vợ
Lên Vàng Ma Chải xem người Dao đỏ kéo vợ

Chẳng biết tự khi nào, khi mùa xuân đến Vàng Ma Chải (Phong Thổ - Lai Châu) thì mùa kéo vợ của người Dao đỏ cũng bắt đầu. Kéo vợ là một hình thức lách luật để những chàng trai, cô gái nghèo có thể tìm hạnh phúc và nên vợ, nên chồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN