Mở đường thoát nghèo

Trong một chuyến công tác tại huyện vùng cao Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi có dịp được quay trở lại bản người Dao Lũng Giang. Đúng như lời Trưởng bản Phùng Văn Pét nói: "Nơi đây có nhiều điều mới lắm!", chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay khá nhanh ở bản người Dao này.

Bà con Lũng Giang mở đường thoát nghèo.


Những ngôi nhà mới mọc lên khang trang, vững chãi... Đặc biệt là Lũng Giang hôm nay đã có đường mới dẫn từ trung tâm thị trấn Na Hang vào bản. Con đường dài hơn 5 km, được làm bằng chính sức lao động của 54 hộ dân trong bản. Bao nhiêu giọt mồ hôi đã rơi, bao nhiêu đêm cả bản tranh thủ đốt đuốc mở đường. Giờ đây, con đường mới đã cơ bản hoàn thành, mở ra một hướng đi mới tươi sáng hơn trên con đường xóa đói giảm nghèo.

Vượt đèo Kéo Lộc Khoa

Không ai biết cái tên Lũng Giang có từ bao giờ, chỉ biết bản nằm lọt thỏm giữa thung lũng bao quanh là những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn và một bên là dòng sông Lô ngày đêm gầm gào, cuộn chảy. Đồng bào Dao ở Lũng Giang trước đây còn nghèo lắm, sống chủ yếu dựa vào rừng và gần như bị chia cắt với cuộc sống bên ngoài. Muốn vào được bản phải vượt đèo, leo dốc, thử thách lớn nhất là phải vượt đèo Kéo Lộc Khoa (còn gọi là đèo Gà Lôi) ghập ghềnh, khúc khuỷu.

Cách đây vài tháng, khi chúng tôi có ý định đến Lũng Giang, Chủ tịch xã Năng Khả lắc đầu ngao ngán: Đường vào đó khó đi lắm nhà báo ơi, để vào được bản phải vượt qua con đèo gấp khúc, thẳng đứng, dưới là vực thẳm, chỉ cần sa sẩy chút là mất mạng như chơi...”. Nhưng cánh nhà báo quyết “mạo hiểm” một phen. Sau khi vượt qua con đường mòn với đá núi lởm chởm, đèo Gà Lôi sừng sững trước mắt, nhìn mãi không thấy đỉnh. “Con ngựa sắt” lúc này không thể phát huy tác dụng và trở thành trở ngại. Sau nhiều giờ đi bộ, leo dốc, xuống đèo cuối cùng chúng tôi cũng đến được với bản người Dao này. Đứng dưới chân đèo, Trưởng bản Phùng Văn Pét không giấu được niềm vui và nụ cười trên khóe mắt, chào chúng tôi bằng câu chào quen thuộc của đồng bào Dao “Chào mơ tỏi: (chào đồng chí)”. Với giọng kinh lơ lớ, Trưởng bản Pét cho biết: Lũng Giang còn nghèo lắm. Nguyên nhân chính không phải vì bà con không biết làm ăn mà vì bản nằm lọt thỏm trong thung lũng này. Đường sá đi lại như thế chẳng ai dám quay lại với Lũng Giang lần thứ 2. Không có đường nhiều khó khăn, thiếu thốn, trẻ con không được học hành đến nơi đến chốn, vì trong bản chỉ có điểm trường mầm non và tiểu học. Muốn học lên THCS phải vào tận thị trấn, đi lại trong ngày thì không thể, cho con học bán trú thì không có điều kiện vì nghèo quá. Bà con Lũng Giang có khi hàng tháng mới vào thị trấn một lần, mọi sinh hoạt và kiếm sống hầu như quanh quẩn trong thung lũng. Khổ nhất là những khi trong bản có người ốm đau phải đưa đi cấp cứu, vào đến thị trấn thì đã quá muộn.

Câu chuyện mở đường

Trở lại Lũng Giang lần này thật sự phấn khởi khi con đường dẫn từ trung tâm thị trấn Na Hang vào bản đã được mở. Trên con đường mòn mới mở, những nhát cuốc vạt rừng vẫn còn mới nguyên, dù trời nắng như đổ lửa nhưng vài chục người vẫn đang nhiệt tình, hăng hái làm nốt những công việc còn lại để con đường được hoàn thiện, bằng phẳng. Những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt đỏ bừng vì nắng, nhưng nụ cười thì vẫn tươi nguyên.

Trên con đường mới, thấp thoáng hình ảnh bà con đi chợ, trẻ em đi học và một vài lái buôn mang hàng vào tận bản. Trưởng bản Pét cho biết: Giờ đây khi nhắc đến cái tên Lũng Giang người ta không còn lắc đầu ngao ngán khi phải vượt qua con đèo Kéo Lộc Khoa nữa.

Phấn khởi vì có đường mới vào bản, chị Lý Thị Sinh cho biết "Có đường rồi nên việc đi lại học hành của các con tôi cũng bớt vất vả hơn, đứa con đầu hiện đang học bán trú giờ có thể đi về trong ngày, công việc chợ búa cũng thuận lợi hơn, sắp tới tôi sẽ ra thị trấn lấy hàng tạp hóa về bán". Anh Nông Văn Đạt chia sẻ: “Con cái đi học xa những dịp lễ Tết nhớ nhà muốn về thăm, quãng đường từ Hà Nội về Na Hang (Tuyên Quang) không ngại bằng đường từ thị trấn đi vào bản. Giờ có con đường mới rồi, con tôi đang học trường cao đẳng tại Hà Nội có thể thường xuyên về thăm gia đình những dịp nghỉ lễ”.

Người phấn khởi nhất vẫn là Trưởng bản Phùng Văn Pét, chính ông là người đã đến từng nhà vận động bà con góp công sức làm nên con đường này. Ban đầu, người ta cho ông là “khùng”, bởi mở đường đâu dễ, khi bao quanh bản là núi non, địa hình hiểm trở. Nhưng ý tưởng làm đường đã thôi thúc ông từ lâu nên trước đó ông đã tự băng rừng, khảo sát địa hình để vạch tuyến, tìm con đường ngắn nhất vào thị trấn, đồng thời nắn đường vào những nơi không có nhiều núi đá, suối sâu để bớt ngày công lao động. Khi ý tưởng đã chín đến việc vận động bà con tham gia. Ban đầu có người đồng thuận, có người không, vì mấy chục năm nay không có đường họ vẫn sống. Nhưng ông đã phân tích cho bà con thấy được cái lợi khi con đường được mở ra, nên đã nhận được sự nhất trí tuyệt đối của bà con trong bản.

Sau gần 6 tháng lao động cực nhọc, không kể ngày đêm, con đường mới vào bản đã được hoàn thành trong niềm vui, phấn khởi của bà con trong bản. Chỉ về phía con đường mới, Trưởng thôn Pét cho biết: “Từ ngày mở đường, bà con không còn phải mò mẫm vượt đèo từ lúc mờ sáng vào thị trấn cho kịp phiên chợ nữa mà hàng hóa giờ được đưa đến từng nhà bán. Trước đây đi chợ phải mất cả ngày, giờ đã tiết kiệm được thời gian làm những việc khác. Thực hiện chính sách xây nhà cho hộ nghèo, bản đã dần xóa được nhà tạm, trong năm nay bản có chỉ tiêu làm mới 7 nhà cho 7 hộ nghèo. Nhờ có đường mới, việc vận chuyển vật liệu xây dựng cũng dễ dàng hơn, nên nhiều gia đình cũng đã tích góp, vay mượn để xây nên những ngôi nhà kiên cố, vững chắc hơn. Trong tương lai bản Lũng Giang sẽ có thêm những ngôi nhà mới khang trang hơn, đàng hoàng hơn. Có thể coi con đường chính là chìa khóa giúp đồng bào dân tộc Dao vươn lên trên con đường xóa đói giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh: Khiếu Thư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN