Lồng ghép vốn, triển khai nhanh chính sách dân tộc

Hằng năm, nguồn vốn cấp cho các chính sách dân tộc thường xuyên không đủ. Trong khi đó, trên cùng địa bàn lại có rất nhiều chính sách được triển khai. Do vậy, giải pháp trước mắt là thực hiện lồng ghép để khắc phục khó khăn, đạt hiệu quả cao nhất cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo.


Tránh manh mún, dàn trải


Thực tế tại cơ sở cho thấy, một xã vùng III hiện có hàng chục chương trình, chính sách như: Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 30a về giảm nghèo bền vững, Chương trình nông thôn mới... và nhiều dự án khác của tỉnh, các tổ chức phi chính phủ, cũng như tài trợ của các tổ chức nước ngoài khác. Về cơ bản, các chương trình, dự án lớn đều có hạng mục đầu tư, hỗ trợ na ná nhau. Nghĩa là cũng đầu tư hạ tầng (điện, đường, trường, trạm); hỗ trợ sản xuất, cho vay vốn... Tuy nhiên, đây lại là một trong những thuận lợi trong việc triển khai lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, chính sách, để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún và kém hiệu quả.

 

Trạm y tế xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk.

 


Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Kạn mới đây, đánh giá về giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác xóa đói giảm nghèo trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nhấn mạnh: “Cần thiết phải tiến hành lồng ghép các chương trình, dự án trên cùng một địa bàn. Tuy nhiên, không có nghĩa là cộng dồn các dự án, mà phải tìm dự án nào có nguồn lực đầu tư lớn mà triển khai. Cán bộ cơ sở cần xuống tận thôn, bản để tìm hiểu nhu cầu thiết yếu của bà con để tìm biện pháp tháo gỡ. Có như vậy, việc lồng ghép và thực hiện các chính sách dân tộc mới thực sự có hiệu quả”.

 

Lồng ghép vốn để xây trường ở huyện Như Xuân, Thanh Hóa.

 


Thời gian qua, việc nhiều địa phương tiến hành lồng ghép trong thực hiện các chính sách dân tộc, giải quyết tốt tình trạng thiếu vốn, chậm vốn đã khẳng định hiệu quả của cách làm này.


Huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành lồng ghép các chương trình dự án như: Chương trình 135, Chương trình 30a, Quyết định số 755/2013/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Quyết định số 54/2012/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015...


Ông La Cảnh Toàn, Trưởng ban Quản lý các dự án huyện Na Rì cho biết, năm 2013, nhờ triển khai lồng ghép, địa phương đã tiến hành xây dựng được 27 công trình hạ tầng (giao thông, thủy lợi, trường học); hỗ trợ vốn vay cho 234 hộ, duy tu bảo dưỡng 10 công trình hạ tầng...


Cũng như vậy, bà Đỗ Thị Hương, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, cho biết: “Năm 2013, huyện cũng đã tiến hành lồng ghép một số chương trình, chính sách và hiện đang tiếp tục xây dựng phương án triển khai lồng ghép cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đã đẩy nhanh được tiến độ hoàn thành các chương trình, dự án, đồng bào sớm được hưởng lợi”.


Vướng mắc đã được tháo gỡ


Việc lồng ghép đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trước đây, các địa phương đã gặp không ít khó khăn trong việc thanh, quyết toán vốn, khiến khó tập trung được nguồn lực.

 

Đồng bào triển khai làm đường ở huyện Tiên Yên, Quảng Ninh bằng nguồn vốn lồng ghép.

 


Bà Đỗ Thị Hương cho biết: “Vướng mắc lớn nhất chính là việc mỗi chương trình, chính sách lại có quy định riêng về cách thức tổ chức thực hiện, phương thức thanh quyết toán cũng khác nhau, nên việc lồng ghép cơ bản còn gặp nhiều khó khăn”.


Những vướng mắc của địa phương không phải là không có cơ sở, vì việc để các địa phương lồng ghép vẫn mới chỉ là chủ trương, nên không có văn bản nào quy định, hướng dẫn về việc thanh quyết toán. Tuy nhiên, mới đây (ngày 12/2/2014), liên Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT – BKHĐT - BTC hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc lồng ghép vốn.


Theo đó, việc lồng ghép vốn được thực hiện theo nguyên tắc lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn để thực hiện một hoặc nhiều chương trình, dự án, chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi. Việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn được thể hiện cụ thể, xác định thứ tự ưu tiên trong dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư phát triển hằng năm của huyện, tỉnh phù hợp với Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo được phê duyệt. Trong quá trình thực hiện lồng ghép, các nguồn vốn phải đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu, tổng mức vốn đầu tư phát triển, tổng mức kinh phí sự nghiệp được giao. Đối với các chế độ, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến con người, hộ gia đình, phải đảm bảo đủ kinh phí, thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và không được sử dụng nguồn kinh phí này để thực hiện cho các mục tiêu, nhiệm vụ khác.

 

Đồng bào ở huyện Văn Chấn, Yên Bái được hỗ trợ sản xuất từ vốn lồng ghép.

 


Việc ra đời của Thông tư số 02 tạo cơ chế cụ thể, rõ ràng, thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai các chính sách dân tộc. Vì vậy, đối với các địa phương, việc cần làm trong thời gian tới chính là tiếp tục xây dựng phương án lồng ghép sao cho phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với nội dung Thông tư quy định. Làm được được như vậy, chắc chắn trước mắt sẽ giải quyết được tình trạng manh mún, dàn trải của nguồn vốn triển khai, nâng cao hiệu quả của các chương trình, chính sách, dự án đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo.


Bài và ảnh:Minh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN