Linh hoạt giao cấp xã làm chủ đầu tư

Thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường cho xã làm chủ đầu tư Chương trình 135, tuy nhiên cần phải có cơ chế mở và sớm đào tạo cho đội ngũ cán bộ cấp này; để đảm bảo hiệu quả, chất lượng chương trình.

Ngày14/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020. Ông Đinh Quế Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì.

Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến giá trị, đóng góp cho việc thực hiện chương trình. Đặc biệt, việc giao cho xã làm chủ đầu tư được các đại biểu đề cập khá thấu đáo.

Nhiều xã đã thể hiện được năng lực làm chủ đầu tư của mình.


Theo dự thảo thông tư, giai đoạn này sẽ tiếp tục tăng cường cho các xã làm chủ đầu tư các công trình, dự án. Về vấn đề này, các đại biểu, đặc biệt là ở các huyện đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số đồng tình cao, nhưng lại khá băn khoăn về vấn đề năng lực của cán bộ nhiều xã chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế ngày càng cao của việc làm chủ đầu tư hiện nay.


“Hiện nay, Luật quy định phải có chứng chỉ đấu thầu mới được đấu thầu, tuy nhiên rất ít cán bộ xã có chứng chỉ này, nên không thể tham gia đấu thầu”, ông Hoàng Xuân Tùng, Phòng dân tộc huyện Na Hang (Tuyên Quang) cho biết.


Theo ông Hoàng Xuân Tùng, nếu giao cho xã làm chủ đầu tư, thì cần phải có cơ chế mở hoặc khẩn trương đào tạo cho đội ngũ cán bộ xã nếu không sẽ khó triển khai.


Đại biểu ở phòng dân tộc huyện, ban quản lý dự án các huyện tham gia Hội thảo cũng cho biết, nhiều xã được giao làm chủ đầu tư, nhưng do cán bộ xã không đảm đương được, nên phải nhờ cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý dự án huyện thiết kế, dự toán công trình, thẩm định kỹ thuật và giám sát. Cũng do năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế, nên nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng không bảo đảm chất lượng, nhiều xã cán bộ huyện vẫn phải làm thay thủ tục thanh quyết toán.


Đối với dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều xã triển khai chậm, muộn, không bảo đảm thời vụ sản xuất dẫn đến năng suất, chất lượng cây trồng bị giảm… Thậm chí, nhiều cán bộ chuyên môn không nắm bắt được nhu cầu thực tế của bà con nông dân cần nuôi con gì, trồng cây gì, nên hỗ trợ giống vật nuôi không phù hợp, gây lãng phí.

Chương trình 135 giai đoạn 2010 - 2015 có nhiều xã được làm chủ đầu tư.

“Trong giai đoạn này cần cân nhắc việc giao cho xã làm chủ đầu tư, bởi cán bộ cấp xã năng lực vốn hạn chế, trong khi đó đội ngũ này lại vừa mới được bổ nhiệm nhiệm kỳ này, nên chưa có kinh nghiệm. Tránh tình trạng để mất cán bộ, bởi nhiều lý do khi giao cho họ hỗ trợ các xã làm chủ đầu tư”, bà Đinh Thị Thảo, Phó ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đánh giá.


Không thể phủ nhận việc giai đoạn 2010 – 2015 nhiều xã đã thể hiện được vai trò làm chủ đầu tư hiệu quả của mình, tuy nhiên, để các xã đảm đương được công việc làm chủ đầu tư tốt hơn, đa số đại biểu đều thống nhất, thông tư hướng dẫn thực hiện giai đoạn này cần có sự linh hoạt khi giao cho xã làm chủ đầu tư, năng lực đến đâu giao đến đó. Một số công trình đặc thù có thể giao cho cơ quan làm công tác dân tộc làm chủ đầu tư…


Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Quế Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị Văn phòng điều phối Chương trình 135 tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu để chỉnh sửa thông tư một cách rõ ràng, cụ thể để thực hiện có hiệu quả chương trình.


Thứ trưởng cũng cho biết, Chương trình 135 giai đoạn 2016 -2020 vẫn tiếp tục giao các xã làm chủ đầu tư, vì vậy những bất cập khi xã làm chủ đầu tư cần được khẩn trương khắc phục để bảo đảm hiệu quả. Về phía UBND các huyện cần rà soát, xác định năng lực của các xã, không giao cho những xã chưa đủ điều kiện, có nhiều sai phạm kéo dài làm chủ đầu tư. 


Ngành chức năng tăng cường tổ chức hướng dẫn, tập huấn năng lực quản lý cho cán bộ xã về lĩnh vực này. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, xử lý nghiêm những sai phạm. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ xã phải chủ động tìm hiểu kỹ các bước đầu tư, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.


Bài và ảnh: Minh Đức
Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chương trình 135
Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chương trình 135

Tỉnh Nghệ An đang tập trung khắc phục tồn tại trong thực hiện chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020; trọng tâm là thanh quyết toán kịp thời, dứt điểm các công trình đã được đầu tư; xây dựng và thực hiện phân bổ nguồn vốn cho các xã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN