Lễ hội cầu mưa của người J’rai Tây Nguyên

Vùng đất Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng, có một nền văn hóa bản địa lâu đời, phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh sự giao thoa giữa các nền văn hóa ngày càng mạnh mẽ, việc lưu giữ và phát huy những phong tục, tập quán, nét văn hoá độc đáo của người J’rai ở Gia Lai là hết sức cần thiết.


Phong tục cúng cầu mưa của người dân tộc J’rai.

 

Trong các nghi lễ của người J’rai, lễ hội cầu mưa là một trong những lễ hội quan trọng, là sự kiện mang ý nghĩa tâm linh, cầu mong thần linh đem mưa về cho buôn làng, để lúa đầy rẫy, bắp đầy chòi, cây cỏ xanh tươi, trâu, bò, lợn, gà sinh sôi đầy đàn, cầu cho đồng bào dân tộc J’rai ở khắp mọi nơi có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.


Để chuẩn bị cho lễ hội cầu mưa, dân làng phải chuẩn bị đầy đủ các lễ vật như 1 ghè rượu, nến, gạo, muối và một đầu heo được bày trang trọng trên một phên tre. Sau khi lễ vật và các thủ tục cần thiết đã hoàn tất và được bày trước nhà rông, thầy cúng Rơ lan Hieo, "thư ký" của vua lửa trước đây, với bộ đồng phục truyền thống bước vào khu vực hành lễ và tiến hành nghi thức vẩy và xoa nước vào bụng các già làng để cầu khỏe, cầu phúc. Sau đó thầy ngồi hướng về phía bàn lễ vật, lạy 3 lạy chào thần linh rồi tự rót nước vào ché rượu. Tiếng chiêng trống, lời văn tế của thầy ngân nga với vẻ trang nghiêm, trịnh trọng bên cạnh bếp lửa cháy bập bùng, càng thể hiện sức mạnh siêu nhiên và huyền bí. Vừa khấn, thầy vừa lấy gạo vãi ra chiếu cúng để mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá... cùng về dự lễ.
Tiếp sau đó thầy Rơ lan Hieo lấy thịt ném 3 lần ra phía trước. Mỗi lần ném thịt, thầy cầm cây gươm thần chỉ hướng từ đông sang tây và luôn miệng cầu khấn: “Cầu mong Giàng cho mưa thuận, gió hòa, bà con trong làng đoàn kết cùng bảo nhau làm ăn. Con cháu trong làng không nghe lời kẻ xấu xúi giục. Mọi người ai cũng được hưởng phúc của Giàng để sau này cùng sinh được con trai, con gái khỏe mạnh”.


Sau khi cầu sức khỏe cho mọi người trong làng, thầy thắp nến, cầm thanh gươm thần khấn lễ cầu mưa cùng với động tác vãi gạo, vảy rượu ra các cánh đồng lúa xung quanh và “Cầu cho mưa thuận gió hòa, được mùa màng, cầu cho con heo, con bò khỏe mạnh, cho lửa cháy trên bếp, cho con người không đau ốm”.
Ngày diễn ra lễ cầu mưa, trong làng không ai bảo ai, mỗi nhà đều tự nguyện mang một ghè rượu ra để góp vào việc làng. Cả làng nghỉ làm nương, rẫy để cùng tham dự.


Sau lễ cầu mưa, rượu ghè được mở nắp, mùi bắp non ngòn ngọt say say lan tỏa khắp khu nhà rông. Thanh niên là những người đầu tiên mở bình, nhấc cần khai tiệc rượu. Họ uống rượu trong niềm hân hoan say đắm. Bên ngoài, tiếng cồng chiêng, tiếng trống được cất lên, và những phụ nữ sẽ bước vào với điệu xoang nhịp nhàng cùng ché rượu cần sóng sánh. Sau lượt thanh niên trai trẻ là đến các cụ phụ lão. Tất cả mọi người đến với lễ, với tiệc rượu bằng tấm lòng thành kính và sự thanh khiết.


Được chứng kiến lễ hội cầu mưa độc đáo của đồng bào mình nên phụ nữ cũng tham gia uống rượu nhiệt tình cùng với cánh trai trẻ trong làng. Siu Rock, một thanh niên trong làng nói: “Ở đây không lo thiếu rượu uống đâu, vì sông Ayun Hạ không bao giờ hết nước. Người J’rai cũng vậy, chẳng bao giờ cạn tấm lòng. Nước được những người phụ nữ đã qua tuổi sinh nở mang về cúng giàng, lấy từ bến nước chảy từ dòng Ayun Hạ. Cúng xong, nước được đổ đầy tràn vào các ché rượu”.
Sau lễ hội, ai về nhà nấy và ngày mai họ lại bắt tay tiếp tục công việc để thực hiện ước muốn một vụ mùa bội thu.

 

Hoài Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN