Lễ hội cầu an ở Nam Bộ

Sau những ngày vui xuân đón Tết cổ truyền của dân tộc, người dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung, TP Cần Thơ nói riêng tổ chức Lễ cầu an.

Theo tục lệ từ lâu đời, lễ cầu an của người dân Cần Thơ diễn ra trong ba ngày: 12, 13, 14 âm lịch tháng Giêng, trong đó ngày 14 được xem là chính lễ với nhiều nghi thức trang trọng. Vào những ngày này, xung quanh các miếu thờ rất nhộn nhịp, đông vui. Trước mỗi nhà đều đặt bàn thờ, thắp nhang liên tục ngày đêm và đốt than trong nhiều giờ liền.

Thuyền giấy chuẩn bị thả xuống sông.



Bà Lê Thị Út, người dân khu vực 3, phường Hưng Phú, quận Cái Răng giải thích: “Ngày nay mỗi nhà đều đốt củi hay than xua đi sự rủi ro, kém may mắn cho gia đình và lập bàn thờ cầu mong sự thành đạt, sức khỏe…”.


Bàn thờ và thau đốt củi trước cửa mỗi nhà để tống xui rủi trong gia đình.



Những nơi diễn ra lễ cầu an sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi như: Múa lân, hát bội, đờn ca tài tử... Thu hút nhiều người đến xem nhất là phần “đốt lửa” và “tống gió” với nghi thức thả thuyền giấy ra sông lớn, trên đó có chở theo nhiều gạo, muối, cốm dẹp, bí đao của người đến cúng. Nghi lễ này nhằm “tống tiễn” nhiều điều xui xẻo nhất, rủi ro, đau ốm, bệnh tật ra khỏi gia đình, địa phương, đồng thời cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống dân làng được ấm no, hạnh phúc. Thuyền này được Ban tế tự của miếu làm lễ rước long trọng trước khi chuyển xuống tàu ghe chở ra sông lớn và thả trôi trên dòng nước. Nhiều địa phương tổ chức lễ hạ thuyền giấy vào sáng sớm hay ban đêm. Có nơi chọn thời gian từ 14 đến 15 giờ để tiến hành nghi lễ này. Ban đêm ngoài phần cúng tế, Ban tổ chức còn dùng xuồng nhỏ bơi cặp theo mé sông, kết hợp với đội lân múa trên bờ đến nhận muối, gạo của từng nhà chuyển ra thuyền giấy trên sông, ánh lửa bập bùng, linh thiêng.

Múa lân chào mừng trước lúc thuyền ra sông.



Ông Phan Tấn Hiệp, người dân xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) cho biết: “Hàng năm lễ cầu an diễn ra rất lớn nhưng đảm bảo an ninh trật tự, không xảy ra các vấn đề liên quan đến mê tín dị đoan. Bà con phấn khởi vì làm ăn được mùa, không xảy ra dịch bệnh, xóm làng yên vui…”.

Theo ông Hiệp, trước ngày lễ, nhiều nhà đã đến thắp hương cầu nguyện tại miếu Bà, làm nhiều bánh, mứt, thức ăn đến cúng bái. Có nhiều người tuy ở xa như Hậu Giang, Vĩnh Long mỗi năm đều có mặt để cầu nguyện.

Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc lễ cầu an. Mốc thời gian ban đầu thực hiện cũng khác nhau, nhưng đa phần có điểm trùng hợp: Lễ cầu an là dịp để mọi người tưởng nhớ công đức của Bà Thiên Hậu, vị “thần” cai quản sông nước, cầu mong bà giúp đỡ khi gặp hoạn nạn, không làm bão lũ để người dân yên ổn làm ăn, trừ khử những loại tà ma hung ác. Thời gian tổ chức nghi lễ hiện nay ở các địa phương đều tập trung vào ba ngày, từ 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Riêng về nguồn gốc chiếc thuyền giấy, theo ông Lê Quang Trinh, 84 tuổi, trưởng Ban tế tự miếu Bà ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng: Lúc xưa khi thiết kế thuyền này có hình tượng những quan hộ giá của bà Thiên Hậu như Quan Công, Quan Bình và Châu Xương, gươm giáo chỉnh tề, mặc võ phục, tư thế ngồi trên các lưỡi dao biểu hiện sự uy dũng, miệng xỏ những cây xiên ngang bằng sắt biểu hiện cho chí khí của thần linh. Trên thuyền có câu liễn “Chức sắc đại càn, Quốc gia Nam Hải”. Ngày nay những hình tượng ấy không còn, thay vào đó là những hình ảnh và binh khí “hiện đại” hơn. Nhiều ngôi miếu Bà còn kết hợp việc thờ bà chúa Xứ ở An Giang như các miếu ở quận Cái Răng (TP Cần Thơ), huyện Đông Hải (Bạc Liêu)…

Trong tiếng múa lân rộn ràng, cờ xí muôn màu, muôn vẻ, hàng ngàn người dân đổ xô ra phía sông lớn để xem hành lễ trên sông và cũng để cầu an cho chính gia đình mình. Sự kiện này luôn thu hút du khách nước ngoài dừng thuyền ghe trên sông Hậu để tham quan tìm hiểu, chụp ảnh lưu niệm.

Lễ cầu an – một nét đẹp truyền thống văn hóa dân gian của người dân Cần Thơ đã và đang được cộng đồng chung tay giữ gìn và phát huy bản sắc.


Bài và ảnh: Tam Anh
Ngày xuân đến chùa Non cầu an
Ngày xuân đến chùa Non cầu an

Những ngày này, nhiều người dân Quảng Bình đã chọn chùa Non, núi Thần Đinh (thuộc xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) làm điểm đến cầu quốc thái, dân an, họ hàng làng mạc yên bình, làm ăn phát đạt...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN