Lai Châu: Nhiều gia đình người Mông tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo

Nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ở xã vùng sâu Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo với lý do để có động lực để làm kinh tế.

Anh Cứ A Seng, bản Lao Chải 2, phát triển chăn nuôi để thoát nghèo. Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Tại nhiều địa phương khó khăn trên cả nước, việc các hộ dân xin được nằm trong diện hộ nghèo để được nhận các chính sách ưu đãi trong phát triển kinh tế là điều đã từng xảy ra. Thế nhưng, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ở xã vùng sâu Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo chỉ với một lý do đó là, có động lực để làm kinh tế và nhường sự hỗ trợ của nhà nước cho những hộ còn khó khăn hơn. 

Người dân ở bản Lao Chải 2, xã Khun Há nhắc nhiều đến hộ gia đình anh Cứ A Seng, sinh năm 1983. Thời điểm năm 2014, hai vợ chồng anh Seng tách hộ. Tới cuối năm 2015, khi chính quyền tiến hành rà soát, bổ sung hộ nghèo thì gia đình anh đã nằm trong diện hộ nghèo. Giữa năm 2016, sau khi bàn bạc với vợ, anh Cứ A Seng quyết định viết đơn đề nghị xã rút khỏi danh sách hộ nghèo của bản nhưng chính quyền địa phương chưa đồng ý. Không nản lòng, vợ chồng Cứ A Seng bảo nhau chăm chỉ làm ăn phát triển kinh tế, nuôi lợn, nuôi gà theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. 

Cuối năm 2016, sau khi kinh tế gia đình đã khá hơn, Cứ A Seng lại tiếp tục làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo và đã được chấp thuận. Anh Cứ A Seng chia sẻ: "Mình còn trẻ, còn sức khỏe để làm việc mà cứ ỉ lại mãi vào Nhà nước mãi không tốt. Hơn nữa vợ mình tham gia vào Chi hội phụ nữ bản, phải cố gắng làm kinh tế rồi xin ra khỏi hộ nghèo. Các con đi học cũng phấn khởi. Mặc dù kinh tế gia đình vẫn còn khó khăn nhưng khi không nằm trong hộ nghèo nữa thì mỗi người trong nhà đều phải cố gắng hơn, vợ chồng bảo nhau làm ăn". 

Hiện gia đình anh Cứ A Seng thực hiện mô hình chăn nuôi vườn - ao - chuồng quy mô nhỏ. Chuồng lợn của gia đình có gần chục con lợn, đàn vịt có hơn 50 con... Theo anh Seng, ban đầu vợ chồng anh tích góp nuôi từng con lợn và vài chục con gà thịt. Sau khi bán, số tiền lãi được vợ chồng anh đầu tư để mở rộng chăn nuôi.

Để có nguồn thực phẩm chăn nuôi, gia đình anh Seng còn trồng thêm ngô, lúa. Không nhớ rõ diện tích ngô, lúa của gia đình song anh Seng cho biết mỗi năm gia đình anh thu hoạch được gần 70 bao lúa.

Vợ anh ngoài việc cùng chồng chăn nuôi, trồng ngô lúa, chị còn thêu thùa, may trang phục để bán cho bà con trong bản kiếm thêm thu nhập. Kinh tế gia đình tuy vẫn còn khó khăn nhưng so với mặt bằng chung của bản là đã ở mức khá.  

Mong muốn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, gia đình anh Cứ A Su, bản Lao Chải 2 đã làm đơn đến hai lần mới được chính quyền địa phương đồng ý xem xét thoát nghèo sau những cố gắng của gia đình. Cứ A Su chia sẻ: "Sau khi rà soát thì cuối năm 2015, gia đình mình cũng nằm trong danh sách hộ nghèo. Bản thân mình là Bí thư chi đoàn bản nên cần phải gương mẫu trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chính vì vậy mình đã tích cực phát triển kinh tế, đọc sách báo để học các cách làm hay".  

Từ những kinh nghiệm có được, anh Su đã mạnh dạn mua ngựa, lợn và trâu về nuôi bán; rồi tích góp, vay thêm vốn để đầu tư mua thêm xe tải nhỏ phục vụ nhu cầu chuyên trở hàng hóa của bà con. Cuối năm 2016, anh Su viết đơn lần 2 để xin ra khỏi danh sách hộ nghèo và được xã xem xét chấp thuận. "Mình là thanh niên mà lại trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì xấu hổ lắm. Với lại bản thân mình nghĩ, còn nhiều hộ khó khăn hơn mình cần được hỗ trợ nên mình cố gắng được thì mình cứ cố gắng thôi", anh Su chia sẻ thêm. 

Năm 2016, xã Khun Há có 12 trường hợp hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông tự làm đơn xin xét ra khỏi hộ nghèo; trong đó 9 hộ được chính quyền xã công nhận, số còn lại chưa đủ điều kiện. Có được điều đó, lãnh đạo xã Khun Há cùng các phòng ban, đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới nhân dân về ý chí tự lực trong phát triển kinh tế, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Việc tuyên truyền tập trung vào chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, các cách làm kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương…

Cùng với đó, công tác xóa đói giảm nghèo tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức thực hiện các chương trình dự án, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, dạy nghề cho lao động nông thôn, ưu đãi vay vốn; triển khai thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo kịp thời, có hiệu quả... 

Năm 2016 khi rà soát theo tiêu chí chuẩn nghèo mới, xã Khun Há vẫn còn 490 hộ nghèo. Để tạo đòn bẩy cho các hộ thoát nghèo bền vững, chính quyền địa phương đã và đang vận dụng, hỗ trợ lồng ghép từ các chương trình, chính sách của Nhà nước.

Ông Cứ A Sở, Chủ tịch UBND xã Khun Há, cho biết, thực tế mỗi năm, Khun Há đã giảm được từ 3 - 5% số hộ nghèo. Để người dân thoát nghèo bền vững, các cấp chính quyền cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ bằng nhiều hình thức tới người dân, đầu tư hơn các công trình công cộng, an sinh xã hội một cách thiết thực, hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần, nhất là tới các vùng đồng bào dân tộc thiểu số... 

Hiện tỉnh Lai Châu còn trên 32 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 34%. Những hộ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo như các hộ đồng bào dân tộc Mông ở xã vùng cao Khun Há, huyện Tam Đường là điển hình cho tinh thần không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thể hiện ý chí vươn lên tự lực trong phát triển kinh tế.    

Quang Duy (TTXVN)
'Phao cứu sinh' cho người nghèo ở Na Hang
'Phao cứu sinh' cho người nghèo ở Na Hang

Ở huyện vùng cao Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, nơi có gần 90% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó trên 42% là hộ nghèo, những đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội thực sự trở thành “phao cứu sinh” giúp nhiều hộ gia đình làm kinh tế cải thiện cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN