Lai Châu đa dạng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật

Việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đang được tỉnh Lai Châu quan tâm triển khai bằng nhiều hình thức.


Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, do trình độ nhận thức rất hạn chế, khó tiếp thu được các nội dung PBGDPL khó hiểu, nên tuyên truyền miệng là hình thức được các địa phương áp dụng thường xuyên và rộng rãi nhất, thông qua các buổi sinh hoạt tập trung, sinh hoạt văn hóa cơ sở...


Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức được trên 200 buổi tuyên truyền miệng cho trên 15.000 lượt cán bộ, nông dân. Hội liên hiệp Phụ nữ tổ chức trên 250 buổi thu hút gần 25.000 người tham gia. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức cho gần 70.000 hộ gia đình tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… Các cấp, ngành trong tỉnh chủ động tuyên truyền qua những đối tượng là các già làng, trưởng bản, những người có uy tín ở khu dân cư để đưa pháp luật đi vào hiện thực cuộc sống của đồng bào.


Một hình thức PBGDPL đem lại hiệu quả thiết thực là thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý. Các đợt trợ giúp pháp lý lưu động đã truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức gần 30 đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến 30 xã của 6 huyện với hàng ngàn lượt người được nghe và trợ giúp PBGDPL; phát trên 4.000 tờ gấp có nội dung pháp luật đến người dân. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng các tủ sách pháp luật, thông qua việc lựa chọn các loại sách báo, tài liệu phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội mỗi địa phương...


Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức đoàn thể khác đẩy mạnh thực hiện lồng ghép nhiệm vụ công tác hội với công tác tuyên truyền, PBGDPL. Nhiều nội dung quy định pháp luật mới liên quan đời sống đồng bào dân tộc nơi vùng cao biên giới được cụ thể hóa dưới nhiều hình thức phù hợp với phong tục tập quán địa phương. Một số cách làm mới như: Xây dựng đài truyền thanh cơ sở tuyên truyền bằng tiếng dân tộc địa phương; quy định “Ngày pháp luật” trong tỉnh; thành lập các Tổ hòa giải thôn, bản; PBGDPL thông qua các phiên xét xử lưu động… cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, chỉ đạo phát triển.

 

Quang Duy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN