Huyện Cao Lộc lao đao vì cây trồng không phù hợp

Sau 1 năm thực hiện, toàn bộ dự án chuyển đổi cây trồng tại 3 xã Cao Lâu, Gia Cát, Hải Yến (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) đều thất bại do lựa chọn giống cây trồng không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

 

Trong khi dự án trồng chuối tiêu hồng ở Lạng Sơn thất bại, thì ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu lại xóa được đói nghèo cho đồng bào. Ảnh: Nguyễn Lê


Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Cao Lộc đã lựa chọn 3 xã điểm là Cao Lâu, Gia Cát, Hải Yến để đầu tư xây dựng mô hình trồng chuối tiêu hồng, cây cam đường ghép. Theo đó, mỗi xã được đầu tư 100 triệu đồng để thực hiện mô hình. Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai thực hiện, các vườn chuối tiêu hồng đã gần như biến mất, còn vườn cam đường ghép thì còi cọc, không phát triển.

 

Cây cam đường trồng ở Hậu Giang thì tươi tốt như thế này, còn ở Lạng Sơn thì còi cọc, không cho trái.


Với 100 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới năm 2013, xã Cao Lâu đã nhập 2.000 cây chuối tiêu hồng Đài Loan (Trung Quốc) và 2.000 cây cam đường ghép của Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Bắc về trồng. Sau khi trồng 3 tháng (đến tháng 10/2013) gần một nửa số cây chuối đã bị chết do không thích nghi được điều kiện thời tiết tự nhiên. Sau đó, xã đã được cấp giống bổ sung, nhưng chỉ đến giữa năm 2014 thì toàn bộ số cây chuối đều bị chết; còn vườn cam thì còi cọc, không phát triển được.


Theo anh Bùi Kim Bạch, ở xã Cao Lâu - một trong những hộ dân tham gia dự án: Do thời tiết ở đây khá khắc nghiệt, giá rét và có sương muối nhiều, nên cây chuối không chịu được, chết rất nhanh; còn cây cam tuy không bị chết hàng loạt, nhưng cũng còi cọc, không phát triển được. Một số cây cam được các hộ dân mang về vườn nhà trồng và chăm sóc cẩn thận, che chắn mỗi khi trời rét và sương muối, nhưng trồng cả năm cũng chỉ cao khoảng 40 đến 50 cm.


Trao đổi với phóng viên, ông Lương Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Cao Lâu cho biết: Xã là chủ đầu tư và xây dựng dự án, nhưng lựa chọn cây giống nào để thực hiện mô hình, lại thuộc trách nhiệm của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện định hướng. “Sau chuyến thăm quan mô hình vườn chuối, vườn cam thành công tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, cán bộ xã, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng Công ty cung ứng cây giống, đã tư vấn và chọn triển khai thí điểm mô hình này”, ông Lương Văn Mai cho biết.


Về phía Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc, ông Bế Thanh Hòa, Trưởng phòng, cho biết: Do mới về nhận công tác, nên việc chỉ đạo các xã triển khai dự án trong năm 2013 ông không nắm được. Tuy nhiên ông Hòa khẳng định, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc chỉ định hướng cho các xã nên chọn các loại cây, con giống thực sự phù hợp với địa phương và nông dân đã có kinh nghiệm chăm sóc, chứ không chỉ đạo các xã phải trồng cây gì hay nuôi con gì. "Rút kinh nghiệm năm ngoái, khi các xã trình dự án năm nay, chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ phụ trách phải xem xét kỹ trước khi triển khai" - ông Hòa cho biết thêm.


Dù trách nhiệm của ai, thì việc thất bại của mô hình chuyển đổi cây trồng tại huyện Cao Lộc cũng đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế của địa phương.


Thái Thuần

Đổi thay nhờ chuyển đổi cây trồng vật nuôi
Đổi thay nhờ chuyển đổi cây trồng vật nuôi

Xã Kon Thụp, huyện Mang Gyang (Gia Lai) - một trong 5 xã nằm ở phía đông của sông Ba có 10 thôn làng với gần 1.300 hộ, 5.500 nhân khẩu, trong đó có đến gần 50% số dân là người dân tộc Bahnar.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN