Hết lòng với bản Mông

Người Mông ở xã Sảng Ma Sáo (huyện Bát Xát, Lào Cai) gọi chị Nguyễn Thị Kim Hoa - nữ hộ sinh Trạm y tế xã bằng một cái tên giản dị "bà đỡ Hoa".

Được bà con dân bản tin yêu, chị đã nỗ lực, tận tâm với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, giúp Sảng Ma Sáo từ một xã đặc biệt khó khăn trở thành xã đạt chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2010.

Đầu năm 2009, y sỹ Nguyễn Thị Kim Hoa được điều động từ Trung tâm Y tế huyện Bát Xát lên công tác tại xã Sảng Ma Sáo, cách nhà tới 70 km. 100% người dân trong xã là dân tộc Mông, địa bàn rộng với 11 thôn, bản. Hăng hái lên đường làm nhiệm vụ, dù đã lường trước được khó khăn, song khi đặt chân đến Sảng Ma Sáo, chị đã không khỏi lo lắng.

Đời sống của người dân ở đây còn nhiều thiếu thốn, vệ sinh môi trường rất kém, hầu hết các gia đình chưa có hố xí hợp vệ sinh, tình trạng thả rông gia súc còn phổ biến. Lĩnh vực chị được phân công phụ trách còn nhiều khó khăn: Tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 còn cao, số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai thấp, phụ nữ có thai chưa có thói quen đến cơ sở y tế khám thai định kỳ, phần vì đường giao thông đi lại khó khăn, phần vì tục đẻ tại nhà của người Mông còn phổ biến.

Do vậy, tai biến sản khoa và tử vong mẹ xảy ra thường xuyên... Trong khi đó, theo kế hoạch của huyện, năm 2010, xã Sảng Ma Sáo là một trong những xã xây dựng chuẩn quốc gia về y tế.

Sau khi khảo sát nắm địa bàn, chị đã tham mưu cấp ủy, chính quyền xã kết hợp các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào hiểu rõ công tác chăm sóc sức khỏe, vệ sinh bản làng và công tác kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).

Chị đã đến thăm khám và đỡ đẻ miễn phí cho nhiều trường hợp tại nhà, từ đó lựa lời khuyên giải họ đến trạm để chị đỡ sẽ an toàn hơn. Chị sẵn sàng chia sẻ chỗ ăn, nằm cho những trường hợp ở xa đến trạm sớm chờ đẻ để khắc phục tình trạng đường xa.

Nhận thấy cơ sở vật chất phục vụ công tác khám chữa bệnh còn nghèo nàn, chị đã cùng cán bộ trạm tham mưu cho Phòng y tế huyện bổ sung trang thiết bị, củng cố phòng khám sản khoa và phòng đẻ.

Chị cũng thường xuyên cùng đội ngũ nhân viên y tế bản, các ban ngành trong xã, nhất là cán bộ phụ nữ tích cực xuống tận thôn bản vận động chị em thực hiện các biện pháp KHHGĐ, trong đó biện pháp được ưu tiên vận động là tiêm thuốc tránh thai và đặt dụng cụ tử cung.

Đồng thời, chị vận động các bà mẹ đi khám thai định kỳ để quản lý thai nghén, hướng dẫn cho bà mẹ có thai và bà mẹ có con dưới 5 tuổi thực hiện ăn uống hợp lý để phòng chống suy dinh dưỡng...

Với nhiều kinh nghiệm trong công tác tại cơ sở, chị đã cùng các cán bộ trạm thực hiện tốt việc tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương các giải pháp trong việc xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Trạm y tế xã đã triển khai thí điểm thành công việc vận động đồng bào dân tộc Mông xây dựng và sử dụng hố xí hợp vệ sinh tại 3 thôn: Làng Mới, Mà Mù Sử 1, Khu Chu Phìn và hiện đang nhân rộng ra toàn xã.

Từ thói quen sinh đẻ tại nhà, đến nay phụ nữ trong bản ai cũng muốn đến thăm khám tại trạm y tế để được chị Hoa đỡ đẻ. Trạm đã quản lý thai nghén cho trên 70% phụ nữ có thai trong xã.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi giảm thấp so với năm 2008, 2009. Số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai đạt trên 65%. Đặc biệt, lần đầu tiên chị em trong xã đăng ký thực hiện tiêm thuốc tránh thai, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, uống Vitamin A và tẩy giun luôn đạt xấp xỉ 100%, không phát sinh dịch bệnh.

Hương Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN