Hậu tái định cư ở Tà Hừa: 143 người thành 'vô gia cư'

Bản Khì Trên, xã Tà Hừa, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu có 25 hộ với 143 khẩu dân tộc Thái, sau hơn 4 tháng di chuyển khỏi vùng ngập của thủy điện Bản Chát đang chịu cảnh “vô gia cư”, sống lay lắt từng ngày. Ruộng không còn, người dân chẳng biết làm gì để có cái ăn nên chỉ ngồi trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Các gia đình, từ người già đến trẻ em đang mong sao sớm có đất để dựng nhà, ổn định đời sống.


Xảy nhà ra thất nghiệp


Sau khi công trình thủy điện Bản Chát đóng cống dẫn dòng vào ngày 12/12/2011, nước đã dâng vào vùng ngập quy hoạch. Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo huyện Than Uyên sớm chuyển 24 hộ ở bản Khì Trên, xã Tà Hừa ra khỏi vùng ngập (còn 1 hộ không phải di chuyển).


Cán bộ huyện đã xuống tiến hành họp bản và hứa với dân sau 3 tháng sẽ có đất để dựng nhà mới. Dân đồng thuận, ủng hộ chủ trương của Nhà nước nên chỉ trong vòng 3 ngày (27 – 30/6/2012) đã di chuyển xong.


Nhưng nan giải một chuyện, số gia đình này không được cấp đất tạm dựng nhà ở mà phải tự đi mượn đất, thuê đất dựng lán, ở nhờ nhà người thân. Một số gia đình mượn đất đã hết thời hạn nên không biết bố mẹ, vợ chồng, con cái sẽ đi đâu, về đâu…


Mong muốn mặt bằng nhanh xong để có đất dựng nhà là mong muốn của người dân Tà Hừa.


Ông Lò Văn Pụa, Chủ tịch UBND xã Tà Hừa cho biết: Người dân hiện rất bức xúc. Vì đến thời điểm này, họ vẫn chưa được chi trả số tiền đền bù còn lại, không được hỗ trợ đời sống và vẫn cứ phải ở lán. Có trường hợp, vợ chồng cãi cọ về chuyện nhà ở nên xảy ra xô xát, đánh đập nhau. Gỗ của nhà cũ và gỗ mới mua chất đống ngoài trời, mưa gió hư hỏng nhiều. Ruộng bị ngập hết, người dân lấy tiền đền bù ăn tiêu, mua sắp hết. Nếu sau này có đất thì cũng chẳng còn tiền để dựng nhà ở nữa. Lợn, gà đã mổ ăn hoặc bán hết, một số hộ giữ được con trâu thì thả rong ngoài trời…


Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã có nhiều kiến nghị với huyện nhanh chóng san ủi mặt bằng để dân có đất dựng nhà, nhưng đến nay vẫn chỉ là lời hứa.


Gia đình anh Lò Văn Lả, 34 tuổi, cán bộ giao thông thủy lợi xã có 4 khẩu, được đền bù 500 triệu đồng nhưng mới nhận được 150 triệu đồng. Hiện anh Lả đang phải thuê đất người quen với giá 300.000 đồng/tháng để dựng lán ở tạm, chờ được cấp đất dựng nhà.


"Người dân chúng tôi rất khổ, có nhà rộng, thoáng mát không ở lại phải chui lủi trong cái lán ẩm thấp, chật hẹp. Hy vọng lên chỗ mới sẽ có cuộc sống tốt hơn, có điện, trường, đường, trạm, con cái sẽ bớt khổ, nhưng bây giờ lại như thế này. Tiền hết, nhà không có, ruộng vườn cũng không, người dân biết sống thế nào?" - anh Lả chua xót nói.


Chị Lò Thị Pành, 33 tuổi , đang sửa sang lại lán trước khi mùa đông lạnh giá về.


Trao đổi với ông Bùi Văn Chính - Trưởng Ban quản lý dự án di dân tái định cư thủy điện Bản Chát, thủy điện Huổi Quảng, huyện Than Uyên, chúng tôi được biết: Để 24 hộ ở bản Khì Trên có đất dựng nhà, Ban quản lý dự án cũng đã ép doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công, có mặt bằng cấp cho dân.


Nhưng dù mặt bằng có xong thì gói thầu làm đường cũng mới bắt đầu ký kết hợp đồng xây dựng. Vì vậy, người dân muốn chuyển gỗ lên để dựng nhà thì xe ô tô không biết đi bằng đường nào. Chẳng lẽ người dân phải khuân vác gỗ và vật dụng để làm nhà chặng đường dài gần 9 km từ trung tâm xã, leo dốc theo đường dân sinh lên để dựng nhà? Ngoài ra, chưa tính đến chuyện, nào là nước sinh hoạt, điện thắp sáng chưa có, tiền đâu để dựng nhà, rồi cả cuộc sống sau này của hơn 100 con người sẽ ra sao?


Chuyện nghe như đùa, ấy vậy mà là thật. Gia đình anh Lò Văn Khoánh, 43 tuổi khi chuyển ra khỏi vùng ngập, không có đất dựng nhà nên xuống bản Ló Ma ở nhờ gầm sàn nhà của em. Nhưng được một thời gian thì người trong gia đình thường xuyên ốm đau, mời thầy cúng đến xem mới biết ở gầm sàn ồn ào và mất vệ sinh nên tổ tiên về quấy phá, quở trách con cháu. Vì vậy, anh Lò Văn Khoánh rất lo sợ và nhanh chóng mượn đất, dựng một cái lán tạm ở riêng.


Đó là chuyện riêng của một gia đình, còn tín ngưỡng và tâm linh của dân tộc thì chưa thể nào giải thích được. Rồi đây Tết Nguyên đán đang đến gần, 24 hộ sẽ thờ cúng tổ tiên, ông bà, bố mẹ ở đâu. Mùa đông giá rét đã về, lán chỉ quây bạt thì người dân sẽ sống ra sao?...


Ruộng hạn mong mưa…


Hiện nay, các hộ gia đình đã nhận được tiền đền bù 50 - 70%, và tiền hỗ trợ đời sống 3 tháng. Ruộng ngập, không có cái ăn nên số tiền đền bù các gia đình dùng vào việc mua gỗ dựng nhà, còn lại thì ăn tiêu, mua sắm. Ông Bùi Văn Chính - Trưởng Ban quản lý di dân tái định cư thủy điện cho biết: Hiện đã hết tiền để chi trả và hỗ trợ tiếp theo cho người dân. UBND huyện Than Uyên cũng đã có văn bản đề nghị Ban quản lý dự án thủy điện 1 bổ sung kinh phí để hỗ trợ và chi trả cho bà con theo đúng kế hoạch.


Lớp 1 ở điểm bản Lán Min đang học dưới gầm sàn nhà, chờ xây dựng điểm trường.


Chúng tôi hỏi khi nào thì 24 hộ dân ở xã Tà Hừa sẽ được chi trả tiền đền bù còn lại và tiền hỗ trợ đời sống? ông Bùi Văn Chính cho biết: “Khi nào Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cấp tiền thì huyện sẽ giải ngân ngay, không để bà con phải chờ đợi”.


Theo ông Chính, khả năng phải nửa năm nữa mới có tiền. Việc chậm giải ngân như vậy cũng dễ hiểu, vì tỉnh Lai Châu đang tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể thủy điện Bản Chát, thủy điện Huổi Quảng để được bổ sung ngân sách. Song, thời gian Chính phủ phê duyệt cho đến khi tiền được giải ngân thì không phải ngày một, ngày hai.


Ngoài 24 hộ dân ở xã Tà Hừa, còn bao nhiêu gia đình khác thuộc diện tái định cư thủy điện ở các xã cũng đang chờ tiền hỗ trợ đời sống của Nhà nước. Vậy người dân làm gì để sống đang là câu hỏi mà chính quyền địa phương vẫn chưa có lời giải.


Do ảnh hưởng của công trình thủy điện Bản Chát nên ba cấp học: mầm non, tiểu học, THCS đang phải học chung tại một điểm trường tiểu học. Thầy và trò trường THCS và mầm non đang chờ được xây dựng điểm trường mới theo nguồn vốn tái định cư thủy điện, các lớp học và phòng ở của giáo viên vẫn đang tạm bợ. Ở điểm bản Lán Min, cấp tiểu học có 5 lớp đang phải học dưới gầm sàn. Chính điều đó đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của nhà trường.


Chia tay thầy cô, các em học sinh và người dân nơi đây, trong tôi không khỏi trăn trở. Những ánh mắt buồn bã, như muốn hỏi: “Đến bao giờ đời mình, đời con cháu mới đỡ khổ…?”



Bài và ảnh: VH

 

 



 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN