Giúp người dân phát triển kinh tế bền vững

Từ khát vọng muốn thoát nghèo, nhiều hộ dân khu vực vành đai thành phố Lào Cai đã mày mò tìm hướng chuyển đổi sang chăn nuôi những vật nuôi chất lượng như nhím, lợn rừng, rắn và chim cút.. đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thành phố. Các hộ cũng đã biết liên kết với nhau, thành lập "Câu lạc bộ phát triển chăn nuôi vật nuôi chất lượng cao". Sau 5 tháng hoạt động, (kể từ tháng 5/2011) CLB đã giúp nhiều hộ chăn nuôi phát triển kinh tế bền vững.

Các hộ dân ở Lào Cai nuôi lợn rừng cho thu nhập cao.

Từ 2 bàn tay trắng, gia đình anh Nguyễn Văn Mai, tổ 2, phường Phố Mới đã giàu lên nhờ mô hình nuôi chim cút. Đến nay, gia đình anh là chủ sở hữu một trang trại với hàng vạn con chim cút, hàng năm đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng từ bán trứng chim. Anh Mai kể, trước kia, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Năm 2008, anh nhận thấy, mô hình nuôi chim cút đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh quyết định đầu tư 35 triệu đồng để mua 1.000 con giống và gần 20 triệu đồng để xây dựng chuồng trại.

Đến nay, số lượng giống đã tăng gấp 6 lần, trung bình, mỗi ngày anh bán ra thị trường khoảng 2.500 quả trứng. Trừ các chi phí, bình quân mỗi tháng gia đình anh thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Ngoài gia đình anh Nguyễn Văn Mai, còn có hộ gia đình bà Hoàng Thị Thu với mô hình nuôi lợn rừng. Hai năm trước, gia đình bà Thu chủ yếu phát triển kinh tế bằng nghề chăn nuôi lợn thịt. Qua thực tế cho thấy, hình thức chăn nuôi này khá bấp bênh, lợn hay bị dịch bệnh, phụ thuộc nhiều vào thị trường. Năm 2009, qua tìm hiểu, bà biết rằng, tại một số nơi tỉnh Phú Thọ đang có mô hình nuôi lợn rừng, cho hiệu quả kinh tế cao. Xét thấy mô hình đó phù hợp với điều kiện của gia đình, lại khá mới lạ với thị trường Lào Cai, gia đình bà Thu đã mạnh dạn thử nghiệm nuôi lợn rừng thay thế lợn thịt.

Để có được nguồn giống tốt cũng như kĩ thuật chăn nuôi, gia đình bà phải xuống tận Phú Thọ để tìm mua và học hỏi kinh nghiệm của một số trang trại nuôi lợn rừng. Khi đã nắm được kinh nghiệm, gia đình bà quyết định đầu tư 10 triệu đồng để mua giống (gồm 1 con lợn đực và 2 con lợn cái). Và chỉ một năm sau đó, đàn lợn bắt đầu sinh sản, với lứa đầu tiên đẻ được 6 con. Từ đàn lợn đó, gia đình nhân rộng ra, mỗi năm đàn lợn đẻ được 2 lứa (trung bình mỗi lứa được khoảng 20 con). So với lợn thịt, lợn rừng có rất nhiều ưu điểm như dễ nuôi, sức đề kháng tốt, ít bị dịch bệnh, tiêu thụ dễ và đặc biệt giá bán thị trường cao hơn gấp 3 lần so với lợn thịt. Tuy mới phát triển được 2 năm, nhưng đến nay, mô hình nuôi lợn rừng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Từ đàn lợn này, trừ chi phí, trung bình mỗi năm gia đình bà thu nhập được khoảng gần 100 triệu đồng nhờ bán lợn giống và lợn thịt và thêm một số dịch vụ khác.

Đến nay câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi vật nuôi chất lượng cao thành phố Lào Cai đã có gần 30 hội viên, với đủ các mô hình: Nuôi gà thả đồi, nuôi nhím, rắn, lợn rừng, chim cút...

Ông Nguyễn Mạnh Đức, Chủ nhiệm CLB phát triển chăn nuôi vật nuôi chất lượng cao thành phố Lào Cai cho biết: “Thông qua việc chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm đã giúp các hội viên đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển". Với mục đích và ý nghĩa đó, việc ra đời câu lạc bộ phát triển chăn nuôi phường Phố Mới đã tạo ra sự thay đổi tích cực, phát triển đàn, nâng cao thu nhập cho người lao động, bảo vệ môi trường.

Bài và ảnh: Hương Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN