Giữ gìn cây lúa thiêng

Với quyết tâm vượt khó, chăm chỉ làm ăn, lấy công làm lãi và lấy ngắn nuôi dài, ông Hồ Văn Lời, dân tộc Tà Ôi, xã Hồng Thái, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế đã có thu nhập hàng tỷ đồng từ mô hình trang trại trồng rừng kết hợp với chăn nuôi.

Ông Hồ Văn Lời cho biết: "Trước đây, gia đình tôi rất nghèo. Tôi cũng như những nông dân khác, suốt ngày phát nương phát rẫy, gieo lúa và trỉa bắp". Năm này qua năm khác, cái rẫy ngày càng xa nhà nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo đuổi mãi. Trong khi diện tích rừng đồi thì nhiều, lại thiếu bàn tay chăm bẵm của con người nên đất đồi phần lớn bị hoang hóa. Khi Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng, ông Lời đã mạnh dạn nhận hơn 30 ha đất đồi ở vùng biên giới để trồng keo tai tượng. Những năm đầu, keo còn nhỏ nên ông trồng xen cây sắn, cây ngô, mỗi năm thu gần 100 triệu đồng. Từ số vốn đó, ông đầu tư vào việc chăm sóc rừng và chăn nuôi bò. Lúc đầu chỉ có 5 con bò, đến nay đàn bò của gia đình ông đã có 100 con và diện tích rừng cũng được mở rộng đến 300 ha. Để chống sạt lở ở các bờ kênh, suối, ông Lời còn trồng thêm tre để lấy măng. Hiện nay, những rừng keo đã đến kỳ thu hoạch, ước tính thu nhập hàng năm của gia đình ông Lời khoảng 2,5 tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 20 người, với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Ông Hồ Văn Lời bên trang trại trồng rừng.


Đặc biệt ông Lời còn lưu giữ và phát triển giống lúa zadư - giống lúa thiêng của đồng bào ở A Lưới. "Lúa zadư ăn ngon, thơm và bùi lắm. Nhưng năng suất lại không cao như các giống lúa mới nên hầu như bà con ở đây không trồng nữa. Zadư là hạt ngọc mà Giàng ban cho dân làng, vì vậy tôi muốn gìn giữ nó", ông Lời tâm sự khi lấy cho chúng tôi xem những hạt lúa giống được cất trong ống tre. Zadư được người dân nơi đây tôn là hạt lúa thiêng do trời ban xuống. Hạt lúa nhỏ hơn hạt lúa thường, nhưng lại có mùi thơm. Đặc điểm cây lúa thiêng này quen sống trên đất cao, ít cần nước, không phải phun thuốc trừ sâu hay phân bón. Luôn trăn trở làm sao để phục hồi giống lúa quý, ông dành phần lớn diện tích ruộng để trồng và tìm cách thuyết phục bà con biết giá trị và lưu giữ tài sản của dân tộc mình, để cây lúa zadư phát triển.

Không chỉ biết làm kinh tế giỏi, ông Hồ Văn Lời còn nhiệt tình giúp đỡ bà con, những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về vốn và kinh nghiệm sản xuất để mọi người cùng vươn lên làm giàu. Ông Lời đã được biểu dương là hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2011.

Bài và ảnh: Tường Vi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN