Giao thông liên thôn, xã đánh thức tiềm năng vùng cao Si Ma Cai

Mặc dù, phải đối mặt với nhiều áp lực trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, nhưng với quyết tâm cao, Si Ma Cai vẫn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ có nhiều xã đạt 19/19 tiêu chí. Để đạt mục tiêu đó, Si Ma Cai chọn giao thông làm khâu đột phá mở đường về các thôn bản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

 

  Huyện Si Ma Cai có 13/13 xã đều có đường ô tô rải cấp phối, 80/96 thôn bản có đường liên thôn vận chuyển hàng hoá chủ yếu bằng ô tô – xe máy thay thế ngựa thồ và người gùi như trước đây. Còn trên 10 thôn bản đang tiếp tục mở đường, phấn đấu hoàn thành trong năm 2011.


 Năm 2007, khi nhà nước khảo sát mở đường vào Bản Mế, đa số nhân dân phấn khởi, nhưng có một số nửa tin nửa ngờ. Họ bảo "chỉ khi nào nước sông Chảy chảy ngược thì mới làm được đường vào Cốc Rế", bởi đây địa hình núi đá chưa ai khai phá bao giờ. Vậy mà sau 2 năm, bằng các phương tiện như máy gạt, mìn phá đá và sức lao động của người dân, con đường không chỉ dừng lại ở thôn này mà đã vươn dài vượt qua sông Chảy tạo thành đường vòng cung nối huyện lỵ Si Ma Cai với huyện Mường Khương. Nhờ có con đường này mà nhân dân các xã vùng tây bắc của huyện, gồm: Nàn Sín, Thào Chư Phìn, Sán Chải... xóa bỏ được cuộc sống tự cung tự cấp khép kín. Cũng nhờ có con đường mà xã Bản Mế trở thành 1 trong 2 xã của toàn huyện Si Ma Cai đạt được 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phấn đấu về đích vào năm 2015.

 

 Có đường, việc giao thương buôn bán phát triển. Chính yếu tố này kích thích sản xuất, người dân hăng hái tăng gia để có nhiều hàng hóa. Đánh giá về vai trò của giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ông Nguyẫn Văn Phúc, Chủ tịch UBND huyện khẳng định "Giao thông nông thôn có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương và nâng cao đời sống văn hóa - xã hội, xóa đói, giảm nghèo".

 

Theo kế hoạch, năm 2011, huyện Si Ma Cai sẽ tập trung thực hiện các điểm đầu tư theo mô hình về hạ tầng gồm đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng, hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất ngành nghề nông thôn cho 2 xã điểm Sín Chéng và Bản Mế; điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2011 để các xã cơ bản thực hiện được các bước đặt nền móng vững chắc cho công cuộc xây dựng nông thôn mới… Định hướng xuyên suốt trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới là phát huy vai trò tiên phong, hướng dẫn của cán bộ, đồng thời nâng cao năng lực, khả năng làm chủ của người dân địa phương.   

 

 

 Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lào Cai, tỉnh Lào Cai phấn đấu từ nay đến cuối 2015 sẽ mở mới 200 km đường giao thông liên thôn, đạt 100% số thôn, bản có đường giao thông hợp chuẩn. Đồng thời, phấn đấu 85% đường đến trung tâm các xã, phường, thị trấn được trải nhựa. Đây là mục tiêu lớn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn thể người dân các địa phương. Đối với huyện vùng cao, mở đường đã khó, đối với Si Ma Cai - một huyện có 13 xã, 96 thôn bản hoàn toàn núi cao, dốc đứng, đá cứng thì việc mở đường còn khó gấp bội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đường mở đến đâu, tiềm năng vùng cao được đánh thức đến đó, nên Đảng bộ, chính quyền và nhân các dân tộc quyết tâm đóng góp công sức, hiến đất mở đường vì sự phát triển chung của cộng đồng và làng bản.

 

 Với quyết tâm của huyện, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, cố gắng của người dân trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, Si Ma Cai đang mở đường, rút ngắn khoảng cách với các địa phương trong tỉnh bằng chính nội lực của mình./.

 

       Lục Văn Toán 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN