Giảm nghèo trên vùng đất khó Lào Cai

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước, tỉnh Lào Cai có 3 huyện tham gia chương trình là: Si Ma Cai, Bắc Hà và Mường Khương. Sau 6 năm thực hiện, kết quả đạt được tại 3 huyện rất ấn tượng, tạo được niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.

Đầu tư trúng, đúng

Đón chúng tôi trong căn nhà kiên cố, ông Vàng Sảo Hòa, xã Pha Long, huyện Mường Khương, phấn khởi cho biết: “Năm 2010, Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện cho gia đình tôi vay 8 triệu đồng không phải trả lãi. Cùng với đó gia đình tôi vay thêm 12 triệu đồng từ nguồn vốn của Trung ương và địa phương hỗ trợ, tổng cộng là 20 triệu đồng. Thêm công lao động của anh em họ hàng, làng xóm đã giúp gia đình tôi dựng được một ngôi nhà kiên cố, rộng rãi, khang trang. Năm đó, gia đình tôi được đón một cái Tết đầm ấm và vui nhất. Có nhà kiên cố, mỗi khi mưa bão cũng không phải lo lắng nữa... Không chỉ riêng gia đình tôi, mà nhiều hộ gia đình trong xã cũng được hỗ trợ để làm nhà, bà con chúng tôi biết ơn Đảng và Nhà nước lắm!”.

Huyện Si Ma Cai mở đường vào bản.



Theo thống kê, có gần 2.000 hộ không có nhà ở hoặc ở nhà tạm của 3 huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương đều được hỗ trợ làm nhà mới. Đồng thời, các huyện đã căn cứ vào nhu cầu thực tế để hỗ trợ nông dân sản xuất. Cụ thể, huyện Mường Khương hỗ trợ nông dân tăng vụ trên 300 triệu đồng, trồng chè và thâm canh chè chất lượng cao trên 500 triệu đồng. Huyện Si Ma Cai hỗ trợ chăm sóc trâu bò... Các chính sách hỗ trợ tín dụng cũng được triển khai tích cực như chính sách cho vay 5 triệu đồng/hộ không tính lãi trong thời gian 2 năm để nông dân mua giống gia súc, gia cầm, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2013, huyện Mường Khương đã mạnh dạn sử dụng vốn 30a để hỗ trợ 20 hộ dân ở thung lũng Sả Hồ, thị trấn Mường Khương chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng quýt ngọt. Vườn quýt nhà các anh Vàng Phà Tính, Vàng Phà Quáng, Lý Xín Mìn, Làn Mậu Thành sai trĩu quả, với giá bán từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, năm nay cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Lù Ỉn Sửn, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Mường Khương nói như khoe: Được sự hỗ trợ của Chương trình 30a, ở Mường Khương hiện nay, ngoài khu vực thị trấn, nhân dân ở các xã Thanh Bình, Nậm Chảy ven biên giới cũng phát triển trồng các loại cây ăn quả với diện tích lên tới 60 ha quýt ngọt và hơn 50 ha chanh trái vụ. Hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên cây phát triển rất tốt. Để nhân rộng mô hình trồng quýt ngọt, tới đây huyện Mường Khương sẽ trồng mới 75 ha, nâng tổng diện tích cây quýt ngọt của toàn huyện lên 217 ha tại các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Tả Ngải Chồ và thị trấn Mường Khương. Trong tương lai, Mường Khương đang có kế hoạch hình thành vùng cây ăn quả có múi tập trung với diện tích lên tới 300 ha để xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân. Rồi đây, vùng "đất khát xứ Mường" hứa hẹn sẽ trở thành một vùng đất của hoa thơm trái ngọt.

Quýt ngọt Mường Khương đã có mặt trên thị trường.


Ông Phạm Bá Uyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Sau gần 6 năm triển khai tổ chức lồng ghép các nguồn vốn, thực hiện các chính sách của Nghị quyết 30a, đời sống người dân được cải thiện đáng kể, kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số. Đến hết năm 2014, thu nhập bình quân ở huyện Mường Khương đạt 9,7 triệu đồng/người/năm, tăng gần 5 triệu đồng so với năm 2009. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác đang chuyển dịch theo hướng hàng hóa.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sau gần 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đã thu được những kết quả tích cực. Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo đã tạo cơ hội cho họ ngày càng tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ như y tế, giáo dục. Đời sống của người dân tại 3 huyện nghèo (Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai) ngày càng được cải thiện, giúp cho người nghèo có điều kiện phát triển và mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Kết quả, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) bình quân giảm 7%/năm ở cả 3 huyện, so với mục tiêu của Chương trình 30a là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm.

Đạt kết quả cao

Thực tế cho thấy, đến nay, hạ tầng nông thôn của 3 huyện nghèo đã được cải thiện đáng kể. Kết cấu hạ tầng khu trung tâm của các huyện đều được xây dựng khang trang, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường giao thông đạt tiêu chuẩn, 100% xã có điện lưới quốc gia và có đường ôtô đến trung tâm xã. Các hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn không ngừng tăng về số lượng và quy mô, dịch vụ, ngành nghề tại địa phương phát triển đa dạng, đáp ứng yêu cầu về sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Xây dựng mới các trạm y tế phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở thôn bản, đầu tư xây dựng nhà ở giáo viên, nhà ở bán trú học sinh, phục vụ nhu cầu dạy và học của học sinh, giáo viên ở 3 huyện. Các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, cấp điện phục vụ sản xuất, đời sống văn hóa, xã hội đều được chú trọng đầu tư, tạo nên diện mạo nông thôn mới tại 3 huyện nghèo trên địa bàn của tỉnh.

Hỗ trợ giống cây trồng mới cho đồng bào.



Để hoàn thành tốt hơn nữa Chương trình 30a, trong những năm tiếp theo, tỉnh Lào Cai sẽ tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền tới người dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình 30a. Thực hiện công khai, dân chủ trong nhân dân nhằm tạo nên sự đồng thuận khi triển khai thực hiện các chính sách. Tiếp tục thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn, tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên cho phát triển nông - lâm nghiệp và quy hoạch dân cư. Đặc biệt, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, xây dựng chính sách đủ mạnh để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bài và ảnh: Trọng Thủy


Bảo tồn thể thao vùng dân tộc thiểu số
Bảo tồn thể thao vùng dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình luôn duy trì và phát triển các môn thể thao, trò chơi dân gian ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được coi là thế mạnh của địa phương như: Đua xe đạp, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN