Giải pháp nào để ổn định cuộc sống đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên?

Trong những năm qua, khu vực Tây Nguyên nói chung và các tỉnh Đắk Lăk, Đắk Nông, Lâm Đồng nói riêng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều chương trình (CT) như CT 135 (giai đoạn 2), Quyết định 134, 33, 32 của Chính phủ… nên bộ mặt nông thôn miền núi đã có bước thay đổi tích cực.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử (thứ 3, trái sang) thăm và nói chuyện với đồng bào thôn Giang Đông, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk).


Tuy nhiên, tình hình dân di cư tự do vào các tỉnh Tây Nguyên đang gây áp lực trong vấn đề quản lý đất đai, nhà ở, quản lý nhân khẩu, bảo vệ rừng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Phóng viên báo Tin Tức đã tìm hiểu cuộc sống của đồng bào dân tộc qua chuyến công tác Tây Nguyên mới đây của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử.

Bài 1: Nỗi lo nhìn từ Giang Đông

Là xã đặc biệt khó khăn được thành lập năm 2005, nên cơ sở vật chất, hạ tầng của xã Ea Dăh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) còn rất thiếu thốn. Xã có 11 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 14 thôn, buôn với dân số trên 7.700 khẩu. Trong đó, thôn Giang Đông có gần 100% đồng bào Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Điện Biên vào đây từ năm 1996 đến nay.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã còn gặp nhiều khó khăn do đất đai khô cằn, địa hình đồi dốc, nguồn nước hạn chế. Một số vùng thiếu nước sinh hoạt do địa tầng phức tạp, đồng thời trong những năm qua hạn hán, bão lũ xảy ra làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhân dân, an ninh nông thôn vẫn còn tiềm ẩn mất ổn định.

Ông Sùng Vảng Lao, Trưởng thôn Giang Đông, cho biết: Giang Đông có 141 hộ, 768 khẩu di cư tự do (DCTD) vào khai hoang và định cư tại tiểu khu 342 thuộc khu rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng quản lý và một số diện tích nương rẫy thuộc UBND xã Ea Dăh từ năm 1996. Hiện tại, cuộc sống của những hộ này rất khó khăn do chưa ổn định, 98% số hộ thuộc hộ nghèo, nhà ở tạm bợ bằng tranh tre, nứa, lá hoặc vách ván, nước sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh, bệnh tật, sốt rét thường xuyên xảy ra, cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng chưa được đầu tư.

Để ổn định đời sống cho đồng bào thôn Giang Đông, thông qua CT 134, CT 167, đã có nhiều hộ được xây dựng nhà ở với tiêu chí cứng nền, cứng tường, cứng mái và hơn 70 hộ đã được hỗ trợ đất sản xuất. Ông Phạm Minh Sơn - Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, cho biết: Thực hiện CT 134, trong hai năm 2006-2007, UBND huyện đã xây dựng nhà ở và cấp đất ở cho 89 hộ đồng bào Mông (mỗi hộ 400 m2) tại khu vực xã Ea Dăh. Nhưng đến nay chỉ còn 15 nhà có người ở, chủ yếu là cán bộ thôn và người già, trẻ em; 74 nhà còn lại bị bỏ trống. Nguyên nhân là đồng bào đi làm nương rẫy tại Tiểu khu 342 thuộc vùng đất mà đồng bào tự khai hoang và định cư trước đây.

Trước tình hình trên, huyện Krông Năng đã đặt ra mục đích di dời số hộ dân còn lại ra khỏi khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn để định cư và làm ăn sinh sống lâu dài tại khu vực đã quy hoạch. Cũng theo CT 134, huyện Krông Năng đã tiến hành cấp đất sản xuất cho 73 hộ đồng bào Mông với diện tích 365.000 m2 (mỗi hộ 0,5 ha) tại khu vực trung tâm Ea Dăh. Nhưng do đất quá cằn cỗi, sỏi đá, sản xuất kém hiệu quả, diện tích ít nên người dân vẫn trở lại vùng đất cũ thuộc Tiểu khu 342 để sản xuất, canh tác và làm ăn sinh sống. Hiện tại, trên khu vực đất này đã được người dân khai hoang trồng hoa màu, lúa nước và một số loại cây lâu năm với diện tích khoảng 600 ha trên diện tích đất không còn rừng.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk: Từ năm 1996 đến 2011 số dân DCTD từ các tỉnh đến Đắk Lắk trên 9.530 hộ với gần 46.700 khẩu. Đến nay địa phương đã đầu tư 74,3 tỷ đồng cho việc tổ chức ổn định dân DCTD, bằng 20,21% tổng nhu cầu vốn đầu tư của các dự án được phê duyệt; trong đó chủ yếu là nguồn vốn ngân sách Trung ương trên 74 tỷ đồng.

Ông Sùng Vảng Lao, Trưởng thôn Giang Đông, cho rằng: Từ thực tế đời sống người dân ổn định, cộng với tập quán canh tác lạc hậu, không có kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… nên từ năm 2008 đến nay tình hình đói nghèo không giảm được, mà lại có chiều hướng gia tăng. Từ chỗ thiếu đất ở, đất sản xuất đã dẫn tới việc mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội chưa ổn định; tệ nạn xã hội tại Ea Dăh nói chung và Giang Đông nói riêng đang rất phức tạp. Đơn cử như trong dịp tháng 4 vừa qua, Giang Đông đã có 7 hộ nhẹ dạ, cả tin và nghe theo kẻ xấu xúi giục bán hết đất đai, tài sản để về Mường Nhé (Điện Biên) gây mất an ninh trật tự. Sau khi được cấp ủy và chính quyền tuyên truyền vận động, số hộ trên đã trở về địa phương, yên tâm lao động sản xuất.

Để nhân dân các dân tộc nơi đây ổn định cuộc sống lâu dài, đồng bào các dân tộc ở Ea Dăh đề xuất với Nhà nước quan tâm bố trí cấp đất ở, đất sản xuất cho những hộ chưa có nhà, đất ở hợp pháp. Cần có những chính sách đầu tư các công trình thủy lợi để đồng bào tăng gia, làm ruộng nước. Các cấp, các ngành quan tâm tuyển dụng cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số về địa phương hướng dẫn, tuyên truyền cho nhân dân hiểu biết về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để bà con nâng cao nhận thức…

Bài và ảnh: Viết Tôn – Hữu Hoạt

Bài 2: Hệ lụy của việc dân di cư tự do

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN