Giải pháp hỗ trợ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện nhiều chính sách liên quan đến việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần thúc đẩy đời sống của đồng bào dân tộc. Nhưng quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, cần sớm được khắc phục để mang lại hiệu quả cao hơn.

 

10 năm hỗ trợ được 41,5% nhu cầu


Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2002 đến 2011 có 558.485 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cần được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất (chưa tính số hộ cần hỗ trợ theo các chương trình tái định cư thuộc các dự án thủy điện và khu kinh tế quốc phòng). Tổng số Ngân sách Trung ương hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS theo các chính sách, chương trình, dự án... từ năm 2002 đến năm 2011 là 23.009,4 tỷ đồng.


Có đất ở đồng bào sẽ an cư lạc nghiệp.

 

Trong giai đoạn trên, đã có 231.576 /558.485 hộ được hỗ trợ, đạt 41,5% so với tổng nhu cầu cần hỗ trợ của cả giai đoạn. Số hộ còn lại cần được tiếp tục hỗ trợ (2012 -2016) là 326.909 hộ; trong đó, số hộ cần hỗ trợ đất sản xuất là 293.934 hộ, số hộ thiếu đất ở là 32.975 hộ.


Về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSĐ) cho đồng bào DTTS, tính đến ngày 15/6/2012 cả nước đã cấp được 35.458.000 giấy chứng nhận các loại với tổng diện tích 20.385.000 ha. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số cả nước được cấp 3.386.300 giấy chứng nhận đất nông nghiệp, với diện tích khoảng 5.837.600 ha và khoảng 1.702.000 giấy chứng nhận đất ở, với diện tích khoảng 94.000 ha.


Hiệu quả của chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất không chỉ góp phần giải quyết những khó khăn, bức xúc về kinh tế trước mắt, hỗ trợ trực tiếp cho công tác xóa đói, giảm nghèo, gắn kinh tế với quốc phòng, mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, góp phần vào việc ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Xuất phát từ thực tế đó, việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất phải được thực hiện trong tổng thể các chính sách về an sinh xã hội, hạn chế di dân tự do, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng từng bước công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn...


Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đến nay, vẫn còn trên 320.000 hộ DTTS nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất. Nguyên nhân do nhiều địa phương không còn quỹ đất để cấp; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS chưa chặt chẽ; công tác điều tra khảo sát của địa phương có nơi còn bỏ sót đối tượng; có nơi do tách hộ, tăng dân số, do phải thu hồi đất để triển khai các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... nên phát sinh thêm số hộ cần hỗ trợ về đất.


Tồn tại trên đồng nghĩa với việc một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS đang có cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn; vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn vẫn đang tiềm ẩn những bất ổn, vẫn còn khoảng cách khá xa so với các vùng khác của cả nước.

 

Giải pháp nào?


Với đồng bào DTTS, đất đai được xem là tư liệu sản xuất quan trọng, vì phần lớn người dân sống dựa vào canh tác nông nghiệp. Song tại cuộc họp mới đây bàn về vấn đề hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, nhiều địa phương đã thẳng thắn thừa nhận rất khó để hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Nguyên nhân một phần từ chính sách. Ví dụ như việc xác định hộ dân thiếu đất, không có đất và không thiếu đất rất khó vì hiện chưa có quy định cụ thể.

 

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử: Đánh giá việc thực hiện chủ trương chính sách này cần phải nhìn nhận một cách tổng thể trên tầm vĩ mô của cả chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và phối hợp thực hiện của các bộ, ngành liên quan, nhất là về quản lý đất nông nghiệp. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thì cho rằng, thời gian tới Bộ này sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương rà soát lại các nông, lâm trường quốc doanh hoạt động kém hiệu quả để thu hồi giao lại đất cho địa phương quản lý và giải quyết cho các hộ đồng bào còn thiếu đất ở và đất sản xuất.

Chính vì vậy, trong quá trình triển khai, mỗi địa phương áp dụng theo một tiêu chuẩn khác nhau. Hơn nữa đồng bào dân tộc miền núi đa phần dân trí còn thấp, nên ngay sau khi được nhận đất nhiều trường hợp đã đem bán hoặc chuyển nhượng lại và trở thành hộ không có đất.


Lý giải về việc còn nhiều hộ đồng bào nay chưa có đất ở, đất sản xuất, ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc của Ủy ban Dân tộc, cho biết, trong quá trình điều tra, khảo sát để xây dựng dự kiến số hộ được thụ hưởng chính sách, các địa phương còn bỏ sót đối tượng được thụ hưởng. Cùng với đó là việc tách hộ, tăng dân số tự nhiên, thu hồi đất để triển khai các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội... nên số lượng đối tượng thụ hưởng chính sách tăng lên.


Bên cạnh đó, theo đại diện các tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống thì, kinh phí cũng là một trong những yếu tố quyết định việc hoàn thành các chỉ tiêu về cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Địa phương không thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra nếu chỉ dựa vào kinh phí là 10% nguồn thu từ đất và hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.


Báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã chỉ rõ hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS là nhiệm vụ phải làm tiếp trong thời gian tới và phải đạt được mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đã đặt ra, bảo đảm cho đời sống của đồng bào DTTS. Đồng thời, phân tích từng loại chủ trương và chính sách; đánh giá được loại nào đã làm tốt và chưa tốt; loại nào chưa thực hiện tốt, quy trách nhiệm tới từng bộ, ngành, địa phương…

 

Bài và ảnh: Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN