Già làng Điểu Khé

70 tuổi đời, 45 năm tuổi Đảng, 3 lần giữ chức Bí thư Đảng bộ xã, Chủ tịch xã, Chủ tịch Mặt trận, 10 năm giữ chức Chủ tịch Hội đồng già làng,… Đó là một số nét cơ bản về già làng Điểu Khé, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước – người Stiêng suốt đời đi theo Đảng, theo Bác Hồ.

Vào một buổi chiều, chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ, và đặc biệt, bốn bức tường treo đầy huân – huy chương của già làng Điểu Khé. Chẳng ai tin vào mắt mình, bởi có quá nhiều những danh hiệu, từ Huân chương Quyết thắng đến Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, Huy chương Vì sự nghiệp nông dân…


Chú Điểu Khé cười hiền: “Đó là gia tài quý giá nhất của bản thân tôi sau 50 năm theo Đảng, theo Bác Hồ. Tôi chẳng có ngày hôm nay nếu không có Đảng”.

Già làng Điểu Khé bên chiếc cồng chiêng.


Khi nghe già làng Điểu Khé kể về tuổi thơ đau thương, tủi nhục của mình, chúng tôi không giấu nổi những ngậm ngùi. Tổ tiên chú Điểu Khé là dân tộc Stiêng, ở cuối huyện Bù Đăng (Bình Phước), giáp với Tây Nguyên (nay là Đắk Nông).


Khi cậu bé Điểu Khé mới sinh ra, ba cậu đã đi theo Việt Minh rồi hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Còn các anh, các chị cho đến bây giờ chú không còn nhớ rõ đã chết vì đói hay vì bệnh tật. Khi Điểu Khé lên 6 tuổi, cả nhà còn lại 4 người (mẹ và 3 anh em) nhưng lúc đó đã bị bán làm nô lệ. Đời sống đắng cay, cơ cực nên cả gia đình trôi dạt đến xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.


Nhưng rồi, người em trai của chú lại ra đi trong một trận càn của giặc Mỹ, sau đó không lâu mẹ chú qua đời vì bệnh tật và đói khát. Chiến tranh đã lần lượt cướp đi những người thân yêu nhất của già làng Điểu Khé, nhưng vượt lên tất cả những đau thương, mất mát, chú Điểu Khé vẫn sống và hi vọng vào tương lai. “Ai thuê gì tôi làm cái đó, miễn có cơm ăn để sống qua ngày”, già làng Điểu Khé kể.

Năm 1959, khi cách mạng bắt đầu mở đường Trường Sơn, chàng thanh niên Điểu Khé tròn tuổi 20. Ngày đó ở xã Lộc Hòa (huyện Lộc Ninh) nhiều thanh niên đi theo Đảng, chàng thanh niên mồ côi Điểu Khé cũng trở thành liên lạc hoạt động bí mật cho cách mạng. Năm 1962, xã Lộc Hòa trở thành ấp chiến lược, giặc ngày đêm lùng sục bắt bớ những người theo cách mạng.


Với quyết tâm theo Bác Hồ, Điểu Khé quyết định tham gia bộ đội chính quy. Năm 1968, chú giữ chức Chủ tịch Lâm thời xã Lộc Hòa. Năm 1972, huyện Lộc Ninh được giải phóng, chú lấy vợ là cô du kích Thị Bleng. Năm 1972, giữ chức vụ là Bí thư Đảng ủy xã Lộc Quang. Năm 1981, khi tái lập xã Lộc Hòa, chú làm Bí thư Đảng ủy.


Năm 1986, xã Lộc An tách ra trên cơ sở chia lại địa giới xã Lộc Hòa, chú tiếp tục giữ chức Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy. Năm 1993, là Chủ tịch Mặt trận, và từ năm 2000 đến nay là Chủ tịch Hội đồng già làng xã Lộc An. Ở cương vị nào già làng Điểu Khé cũng theo lời dạy của Bác “Làm cách mạng là vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của bà con dân tộc thiểu số Stiêng”.

Chú Điểu Khé đã cùng những đảng viên kỳ cựu như Điểu De (Bí thư Đảng ủy xã Lộc Hòa, nghỉ hưu năm 2009), Điểu Xreo (Bí thư Đảng ủy xã Lộc An) vận động bà con dân tộc Stiêng bỏ tập tục du canh – du cư để định canh – định cư.


Đặc biệt, già làng Điểu Khé còn có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng và phát triển đảng ở các xã Lộc Hòa, Lộc Quang, Lộc an (huyện Lộc Ninh). Đến nay, dưới sự dìu dắt của già làng Điểu Khé, đã có rất nhiều đảng viên gây được uy tín trong dân và giữ những vị trí lãnh đạo ở địa phương.


Anh Điểu Bước, Chủ tich xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết: “Chú Điểu Khé đã giúp cho tôi hiểu thêm rất nhiều về Đảng, về Bác Hồ. Chính chú ấy đã bồi dưỡng để tôi có được ngày hôm nay”.

Hiện nay con trai, con gái, con rể của gia đình chú Điểu Khé đều là đảng viên (gia đình 5 đảng viên) và được người dân xã Lộc An rất tín nhiệm. Không chỉ là một người lính Cụ Hồ, một đảng viên hết lòng vì dân, vì nước, già làng Điểu Khé còn là người giữ gìn, bảo tồn các phong tục tốt đẹp của người Stiêng. Căn nhà nhỏ đơn sơ của già làng được làm bằng tre, nứa, mỗi buổi sáng, trên bếp lửa vẫn còn treo nồi cơm nếp thơm được nấu bằng chiếc nồi đồng cổ xinh xắn.


Vợ già làng cười hiền hậu: Gia đình vẫn giữ tập tục xưa, nấu cơm bằng nồi đồng vừa giữ nóng lâu vừa ăn ngon hơn, còn uống nước đựng trong bầu rất mát. Quý giá nhất với già làng Điểu Khé là bộ cồng chiêng, cây nêu cúng lễ được ông cất giữ trên nhà sàn. Bộ cồng chiêng này được già làng Điểu Khé mua bằng một con trâu, một con bò từ mấy chục năm trước.


Già làng Điểu Khé kể: “Khi mua bộ cồng chiêng này, tôi phải thuyết phục vợ và các con vì những thứ này tốn rất nhiều tiền. Với tôi, cồng chiêng là linh hồn của dân tộc Stiêng. Mình đi làm cách mạng là cũng để giữ cho linh hồn, văn hóa của dân tộc”. Già làng Điểu Khé luôn nhắc nhở con cháu trân trọng, giữ gìn những “báu vật” thiêng liêng của dân tộc mình.

“Tiếng cồng chiêng là hiệu lệnh cho bà con trong bản về tập hợp để nghe già làng thông báo, triển khai các điều luật của làng. Cồng chiêng âm vang trong các lễ hội, cúng tế của làng nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa…”, già làng Điểu Khé nói.

Công Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN