Gia Lai: Nhiều công trình dân sinh chưa phát huy hiệu quả

Là một tỉnh miền núi, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu dân sinh, tạo động lực từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch, nhiều địa phương trong tỉnh đã không tính đến nhu cầu thực tế sử dụng của người dân, cũng như đảm bảo tính bền vững của công trình, gây lãng phí hàng chục tỷ đồng, khiến người dân bức xúc.


Điển hình như làng Yăh, xã Ia Ly (huyện Chư Pẳh). Năm 2007, làng được đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi và kênh mương nội đồng theo hình thức bê

Công trình nước sạch ở nông thôn. Ảnh: VTVdanang.vn

tông hóa, với tổng vốn hơn 5 tỷ đồng, nhằm phục vụ tưới tiêu cho hơn 50 ha lúa và hoa màu trên địa bàn. Khi công trình được xây dựng và hoàn thành, người dân nơi đây rất phấn khởi, họ hy vọng công trình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tưới tiêu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.


Thế nhưng, ngay khi bước vào mùa khô đầu tiên, hệ thống kênh mương nội đồng dài hơn 10 km này đã không thể phát huy tác dụng, do công trình cao hơn so với dòng chảy của hệ thống suối nên nước không thể chảy vào kênh. Do đó, dù có nguồn nước dồi dào, có hệ thống kênh mương hoàn thiện dẫn nước về từng chân ruộng nhưng người dân nơi đây vẫn phải tự đầu tư hàng chục triệu đồng để đào giếng lấy nước tưới cây.


Đặc biệt là vào mùa mưa năm 2010, do được thiết kế quá hẹp, chỉ với chiều rộng 50 cm nên khi nước về nhiều lại xảy ra tình trạng nước không kịp thoát khiến bùn đất tràn vào gây bồi lấp hơn 5 ha ruộng lúa nước của bà con. Thêm vào đó, do thi công không đảm bảo chất lượng nên chỉ hơn một năm sau đã có hơn 2 km kênh mương bị vỡ gây nhiều khó khăn cho người dân.


Không chỉ có hệ thống tưới tiêu tại làng Yăh không phát huy tác dụng, mà công trình nước sạch tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, được đầu tư hơn 16 tỷ đồng từ nguồn vốn không hoàn lại của các tổ chức phi chính phủ cũng chung số phận. Sau hơn 3 năm thi công đến nay, người dân tại thị trấn này vẫn chưa một lần được sử dụng.


Lý do ông Trần Trưng, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai đưa ra là do người dân đã quen với việc sử dụng nguồn nước giếng, nên họ không chịu đầu tư, lắp đặt các thiết bị, đường ống dẫn nước vào nhà... Tuy vậy qua thực tế quan sát tại nhà máy nước sạch huyện Ia Grai thì hoàn toàn trái ngược với điều mà ông Trần Trưng đã nói. Mặc dù đã được đầu tư xây dựng hơn 3 năm nhưng đến nay công trình vẫn còn dang dở.


Việc đầu tư xây dựng các công trình phục vụ dân sinh là cần thiết nhưng theo đó phải có sự đánh giá kỹ lưỡng thực tiễn và phù hợp với nhu cầu của từng địa phương thì mới hy vọng mang lại hiệu quả, còn không sẽ là lãng phí lớn.


Nguyễn Hoài Nam

Gia Lai: Nhiều công trình dân sinh chưa phát huy hiệu quả
Gia Lai: Nhiều công trình dân sinh chưa phát huy hiệu quả

Là một tỉnh miền núi, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu dân sinh, tạo động lực từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN