Gia Lai: Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc

Gia Lai nằm ở phía bắc Tây Nguyên với 2 tộc người chính là J'rai và Bahnar, chiếm gần 1/2 dân số toàn tỉnh (khoảng 600.000 người). Đây là vùng đất giàu về bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống với nhiều loại hình phong phú và đa dạng, luôn gắn liền với cuộc sống của cộng đồng người dân tộc thiểu số từ ngàn đời nay. Điển hình là các lễ hội đâm trâu, lễ hội cồng chiêng, nhà mồ và tượng nhà mồ, nhà rông... cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích khảo cổ học, đã phản ảnh khá toàn diện về sự tồn tại và phát triển của cộng đồng mang tính nhân văn sâu sắc.

Thời gian qua, các di sản văn hóa dân tộc ở Gia Lai đã được các cấp chính quyền địa phương và ngành chức năng gìn giữ, phát huy giá trị. Công tác nghiên cứu văn hóa dân tộc cũng luôn được quan tâm đúng mức, tỉnh đã xuất bản được nhiều công trình có giá trị như Kỷ yếu nghệ thuật cồng chiêng, Hoa văn các dân tộc J'rai - Bahnar, Nhạc khí dân tộc, Nhà mồ và tượng nhà mồ Bắc Tây Nguyên... Tỉnh cũng đã sưu tầm và biên dịch được 4 sử thi song ngữ Việt - J'rai và Việt - Bahnar, trong đó đã xuất bản thành sách 2 sử thi có giá trị là "Dyông Dư" và "Bia Brâu"...

Đáng kể nhất là công tác bảo tồn phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số đã được tiến hành suốt trong hơn 30 năm qua, là cơ sở khoa học cho việc biên soạn và giảng dạy song ngữ (Việt - Bahnar và Việt - J'rai) ở bậc học THPT và các trường dân tộc nội trú. Những năm gần đây, tỉnh tiếp tục chỉ đạo biên soạn giáo trình và tổ chức giảng dạy tiếng J'rai - Bahnar cho cán bộ công chức trong tỉnh, góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển ngôn ngữ của các tộc người.

Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN