Đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng khoa học kỹ thuật rất hiệu quả

Sau khi định canh định cư, ổn định địa bàn canh tác, bà con các dân tộc trong huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) đã xóa dần tập tục sản xuất tự cấp tự túc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển sang sản xuất cây nông sản hàng hóa. Nhờ đó, đã có các sản phẩm xuất khẩu có giá trị, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, đời sống dần dần ổn định và ngày càng khá hơn.

Đến nay, toàn huyện đã có cánh đồng ruộng nước trên 1.850 ha cho bà con dân tộc các xã Ea H’Đing, Ea M’ró, Ea M’nang, Chư Suê. Đi đôi với việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đưa giống lúa mới vào canh tác, ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo bà con thâm canh các loại cây trồng.

Hiện nay, năng suất lúa đông xuân của huyện đạt bình quân 6 tấn thóc/ha và lúa vụ hè thu đạt trên 5 tấn thóc/ha, căn bản giải quyết đủ lương thực tại chỗ. Không ít hộ có lương thực dư thừa dùng cho chăn nuôi, hoặc bán trao đổi ở nội vùng.

Ảnh: Internet


Được chỉ đạo của ngành nông nghiệp, bà con dân tộc trong huyện đã chuyển nhanh những nương rẫy trước đây làm lúa cạn, ngô sang trồng đậu tương, lạc, đậu đỗ các loại giống mới, với diện tích canh tác hàng năm đạt từ 5.500 đến trên 7.800 ha, tạo nên sản phẩm hàng hóa đáng kể. Riêng khoản thu nhập từ cây nông sản thực phẩm hàng hóa hàng năm, toàn huyện thu được từ 100 đến trên 120 tỉ đồng.
 
Đặc biệt, huyện đã đưa giống ngô lai thay thế hoàn toàn giống ngô địa phương, đã nâng cao hiệu quả kinh tế gấp 3 -5 lần so với trồng giống cũ. Trong vụ hè thu năm hàng năm, toàn huyện đã gieo trồng từ 3.800 - 4.500 ha ngô lai và thu được sản lượng hàng hóa từ 17.000 - 23.000 tấn sản phẩm hàng hóa.

Trước đây, bà con dân tộc chưa biết về cây công nghiệp, nhưng được hỗ trợ về giống, vật tư và hướng dẫn kỹ thuật, bà con đã chuyển vùng đất bazan trồng lúa cạn sang trồng cà phê, cao su, hồ tiêu và cây ăn quả chất lượng cao.

Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 34.000 ha cà phê kinh doanh, 3.500 ha cao su tiểu điền (chưa kể có gần 4.430 ha cao su quốc doanh), 520 ha hồ tiêu và trên 500 ha cây ăn quả các loại. Nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số có vườn cà phê kinh doanh 2-3 hécta và một số ít hộ có 5-7 ha cà phê, hàng năm có mức thu nhập từ 200 đến trên 350 triệu đồng.

Ngoài cà phê, nhiều hộ nông dân người dân tộc thiểu số ở các xã Ea M’roh, Ea Rưng, Cuôr Đăng, Ea H’Đing và thị trấn Ea Pôk còn trồng cao su tiểu điền với diện tích từ 3 đến trên 15 ha.

Phát triển các cây công nghiệp, cây nông sản thực phẩm theo phương thức sản xuất hàng hóa, toàn huyện Cư M’gar đã xóa hết hộ đói và hộ nghèo giảm xuống dưới 15%, số hộ khá hộ giàu ngày càng tăng thêm.

Nguyễn Tiên Tri

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN