Đổi thay trên bản “bốn không”

Đồi Thung là bản khó khăn nhất, xa nhất và cao nhất của xã Quý Hòa, thuộc huyện vùng sâu Lạc Sơn (Hòa Bình) thường được biết đến là bản “bốn không”: Không đường, không điện, không trạm y tế và không chợ.

Đời sống tinh thần của nhân dân bản Đồi Thung được nâng lên cùng với thu nhập tăng cao.


Nằm cách trung tâm xã khoảng 8 km, ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, lại gần như biệt lập với vùng dưới, cuộc sống của người dân nơi đây cơ bản là tự cấp, tự túc. Dẫu khó khăn, nhưng người dân Đồi Thung đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, để hôm nay cuộc sống của bà con đang dần đổi thay từng ngày.

Trò chuyện với chúng tôi bên cửa voóng ngôi nhà sàn, cũng là nhà văn hóa của Đồi Thung, Bí thư chi bộ Bùi Văn Dích cho biết: Bản Đồi Thung hiện có 167 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu và được chia thành 2 xóm Thung I và Thung II. Do ở cao lại nằm tách biệt với vùng dưới nên cuộc sống ở Đồi Thung khó khăn lắm. Đường đi chính để lên bản chỉ là con đường mòn băng rừng thăm thẳm dốc, được tạo bởi những viên đá cuội xếp chồng lên nhau. Những lúc trời mưa, đường trơn, giao thông đi lại rất khó khăn. Xã cũng chưa có điện và chưa có trạm y tế.

Về sản xuất, ở Đồi Thung 100% diện tích là đồi núi, quanh năm người dân chỉ bám vào mấy sào ruộng một vụ. Nuôi được con gà, con lợn cũng phải vượt núi băng rừng mới có chợ để bán, mà phải đến bán nhờ ở chợ Bo của huyện Kim Bôi, bởi ngay cả xã Quý Hòa còn chưa có chợ, nói gì đến Đồi Thung… Đã có lúc tưởng như người dân phải rời bỏ đỉnh Thung để tìm đến vùng đất khác lập nghiệp.

Nhưng giờ những khó khăn này đã lùi vào quá khứ, cuộc sống của bà con Đồi Thung cũng đã đổi thay nhiều. Mặc dù chưa có điện lưới quốc gia nhưng nhà nào cũng có máy phát điện. Bản đã có đường, dù chỉ là con đường mòn được mở rộng bằng chính đất đá của rừng, nhưng phần nào cũng giúp cho sản xuất phát triển, hàng hóa được lưu thông, bà con vùng Thung đã đổi mới nếp nghĩ, cách làm, đưa các giống cây, con thích hợp cùng áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, phát triển kinh tế.

Từ chỗ người dân chỉ biết trồng duy nhất một vụ lúa với phương thức canh tác lạc hậu đến nay đã cấy 2 vụ/năm và mạnh dạn đưa một số giống lúa lai, ngô lai và hành tẻ vào sản xuất đại trà. Ngoài ra, người dân cũng sử dụng máy cày bừa, máy tuốt lúa vào sản xuất nông nghiệp, đầu tư chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà với quy mô ngày càng lớn để tạo thêm thu nhập và nâng cao mức sống của bà con. Thực hiện chính sách khoanh nuôi, bảo vệ rừng và kế hoạch trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, Đồi Thung đã khoanh nuôi hàng trăm ha để trồng keo, bạch đàn, tre, luồng… Từ đó, mỗi năm có hàng trăm tấn măng hàng hóa từ Đồi Thung được đưa đi tiêu thụ khắp nơi mang về cho người dân hàng tỷ đồng.

Đến nay, 167 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống tại bản Đồi Thung đã có những bước tiến bộ vượt bậc. Đời sống được cải thiện và nâng lên đáng kể cả về vật chất lẫn tinh thần. Đa số các gia đình đã có phương tiện nghe nhìn và mua được xe máy, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá, từng bước làm giàu. Cuộc sống của đồng bào dân tộc từng bước hòa nhập vào mặt bằng chung của xã hội… Dẫu biết rằng cuộc sống nơi đây còn nhiều gian khó, nhưng những gì mà bản Đồi Thung đã làm được sẽ tạo đà cho những ấm no trong tương lai.

Bài và ảnh: Vũ Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN