Đổi thay cuộc sống từ trồng cam

Nhà bà Phùng Thị Bích, thôn Khe Bút, xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái hiện có hơn 400 gốc cam, mỗi năm thu về gần 700 triệu đồng.

 Bà Bích cho biết, yếu tố quan trọng làm nên hiệu quả kinh tế của vườn cam chính là việc chuyển đổi từ giống cam cũ sang giống cam mới V2, trồng đúng kỹ thuật và có thị trường đầu ra ổn định. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại, những năm gần đây, bà Bích chuyển sang trồng giống cam mới. Hiện nay, nhà bà Bích đã trồng được 200 gốc cam giống mới V2 và đã bắt đầu cho quả. 

Bà Bích chia sẻ, giống cam mới V2 cho năng suất, chất lượng cao hơn, ít sâu bệnh nên công chăm sóc ít hơn. Chất lượng quả ngon, mẫu mã đẹp nên giá mỗi kg cam giống mới V2 trung bình cao gấp 2 lần cam giống cũ. Để cải tạo vườn cam, tới đây gia đình bà sẽ tiếp tục phá bỏ những gốc cam giống cũ đã cằn cỗi để thay thế bằng cam giống mới V2. 

Đồng bào có của ăn của để nhờ cây cam. Ảnh: baoyenbai.com.vn

Tại xã Minh An, huyện Văn Chấn có trên 70% số hộ dân trồng cam với tổng diện tích trên 300 ha; trong đó, có trên 100 ha đã cho thu hoạch. Ông Triệu Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Minh An cho biết, xã Minh An cũng đang triển khai đề án của huyện Văn Chấn về phát triển vùng cam; trong đó, hỗ trợ các hộ trồng cam chuyển đổi sang trồng giống cam mới V2 với năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, thay thế những diện tích cam giống cũ đã thoái hóa, năng suất thấp. Đồng thời, cũng tiếp tục mở rộng vùng sản xuất cam theo kế hoạch của huyện Văn Chấn.

Thị trấn Nông trường Trần Phú là một trong những địa phương tiên phong ở Văn Chấn đưa cây cam vào sản xuất. Nhiều hộ gia đình ở đây có thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm từ trồng cam. Với khoảng 400 ha cam các loại, sản lượng cam toàn thị trấn hiện nay đạt khoảng 4.000 tấn. 

Theo ông Đỗ Anh Thiện, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú, thị trấn coi cây cam là cây trồng chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương. Để tiếp tục nâng cao giá trị cho loại cây trồng này, địa phương chủ trương tích cực chuyển đổi giống cam mới V2, tiếp tục mở rộng diện tích, tăng sản lượng, đồng thời sẽ đẩy mạnh việc quảng bá rộng rãi sản phẩm cam Văn Chấn ra thị trường. 

Cam Văn Chấn được thị trường ưa chuộng. Ảnh: baoyenbai.com.vn

Hiện nay, toàn huyện Văn Chấn có hơn 1.300 ha cam, quýt cho thu hoạch, trong đó có hàng trăm ha cam giống mới V2, cho quả đạt chất lượng cao. Với năng suất trung bình 12 -15 tấn/ha mỗi năm, tổng sản lượng cam toàn huyện Văn Chấn hiện đạt trên 8.000 tấn. Để nâng cao giá trị của cam Văn Chấn, huyện Văn Chấn đã phê duyệt Đề án “Phát triển vùng cam, quýt các xã, thị trấn vùng ngoài của huyện, giai đoạn 2016 - 2020” . Đề án sẽ hỗ trợ giá cây giống, tư vấn quy hoạch, đầu tư vườn ươm... giúp các hộ trồng cam, hướng đến mục tiêu nâng sản lượng cam của Văn Chấn lên 15.000 - 20.000 tấn/năm. Đề án hướng tới việc phát triển Văn Chấn thành những vùng sản xuất hàng hóa và tiến tới xây dựng vùng cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để mở rộng thị trường tiêu thụ cam Văn Chấn, hướng tới việc xuất khẩu loại quả có giá trị kinh tế cao này. 

Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn, cho biết, giống cam V2 sinh trưởng khỏe hơn các loại cam cũ, ít sâu bệnh, lại cho sản lượng và chất lượng cao hơn. Huyện Văn Chấn đã phối hợp với các nhà khoa học cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ để giúp cho bà con nông dân từng bước chuyển đổi sang trồng giống cam mới; đồng thời, xây dựng các mô hình ứng dụng tối đa khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất mới theo hướng đạt tiêu chuẩn VietGAP, từng bước giúp các hộ trồng cam ở Văn Chấn nâng cao chất lượng giá trị nhãn hiệu cam Văn Chấn. 
Đinh Hữu Dư
Trà Vinh sản xuất cam sành VietGAP
Trà Vinh sản xuất cam sành VietGAP

Viện Cây ăn quả miền Nam phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, Hội Làm vườn tỉnh vừa nghiệm thu đề tài xây dựng mô hình sản xuất cam sành theo chuẩn VietGAP và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Trà Vinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN