Đổi thay cuộc sống đồng bào Mông

Hình ảnh những nương lúa, nương ngô đầy ăm ắp, những cánh rừng táo mèo trĩu quả… đang tô điểm cho diện mạo những bản làng của đồng bào Mông ở Yên Bái thêm sắc màu tươi mới, căng tràn sức sống.

Trước đây, đồng bào Mông ở Yên Bái thường bắt đầu ăn Tết riêng của dân tộc mình vào cuối tháng 12 Dương lịch, sau khi kết thúc vụ sản xuất chính. Tết kéo dài cả tháng ròng, linh đình, từ nhà nọ sang nhà kia, mọi hoạt động sản xuất, học tập, làm việc đều ngưng trệ. Sau Tết là cái đói giáp hạt kéo dài, dai dẳng khắp các bản người Mông…

Không ăn Tết, trẻ em huyện Trạm Tấu đến trường học đông đủ. Ảnh: Vũ Văn Hưng

Từ khi thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Yên Bái về vận động đồng bào Mông đón chung một Tết Nguyên đán để đảm bảo việc học tập của học sinh và thuận lợi cho sản xuất, tăng thêm tinh thần đoàn kết dân tộc; đồng bào Mông ở Yên Bái đã ăn chung một Tết. Nhiều hủ tục đã được đồng bào loại bỏ, sản xuất, kinh tế được chú trọng, cuộc sống nhờ thế đã thay đổi hơn trước rất nhiều. No ấm đang về với từng bản làng nơi đây.

Ông Giàng A Phông, Bí thư Đảng ủy xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu cho biết, ban đầu, việc vận động bà con ăn chung Tết ở Bản Mù gặp vô vàn khó khăn. Lãnh đạo huyện Trạm Tấu khi đó đã phải trực tiếp xuống dự hội nghị của các thôn ở Bản Mù để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và cuối cùng đã thuyết phục được đồng bào. Đến nay, tất cả các hộ đồng bào Mông trong huyện đã tự ý thức và nhận ra được những điều tốt đối với đời sống của chính mình trong việc ăn chung một Tết.

Đồng bào chăm lo cho vụ đông xuân. Ảnh: Vũ Văn Hưng

Thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, có hơn 500 nhân khẩu. Từ khi thực hiện theo những chủ trương mới, đời sống của bà con đồng bào Mông nơi đây như bước hoàn toàn sang một trang mới. Anh Giàng A Vàng, Trưởng thôn Khấu Ly cho biết, bản thân anh cũng như gần 100 hộ dân trong thôn bây giờ đều đã nhận thức được chuyện cần thiết phải tập trung phát triển kinh tế gia đình, để tự vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Không ăn Tết kéo dài để kịp sản xuất vụ đông - xuân, trồng thêm lúa, ngô, phát triển đàn gia súc, gia cầm. Cùng với đó, chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu để tự nâng cao đời sống gia đình… Ở Khấu Ly vẫn còn nhiều người nghèo, nhưng từ khi làm theo chủ trương mới của Đảng và Nhà nước, lúa ngô trong mỗi gia đình đã nhiều hơn, trâu bò trong chuồng đông hơn. Cuộc sống của người Mông trong thôn Khấu Ly đang thực sự thay da đổi thịt.

Ở thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, cuộc sống của người Mông ở đây cũng đã ổn định hơn trước nhờ việc thay đổi cách nghĩ, cách làm. Hơn 60 hộ người Mông trong thôn được khoán hơn 150 ha táo mèo; giúp cho mỗi hộ ở đây có thu nhập thêm từ 10 - 20 triệu đồng/năm. Ông Thào A Chểnh, Trưởng thôn Suối Giao cho biết, đời sống mới, mọi người trong thôn đều phấn khởi, ai cũng chăm lo sản xuất nên không còn lo đói nữa. Nhiều nhà trong thôn đã mua sắm được xe máy, ti vi. Nhiều nhà đang vươn lên để thoát nghèo và làm giàu.

Cuộc sống ở những bản làng của đồng bào Mông ở Yên Bái đang thực sự đổi thay từng ngày. Để phát huy những kết quả đã đạt được và thực sự làm thay đổi đời sống của đồng bào, tỉnh Yên Bái chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận, tích cực tuyên truyền nhằm thực sự thay đổi nhận thức của bà con. Cùng với đó, tỉnh triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhân rộng các mô hình, những tấm gương điển hình tiên tiến trong sản xuất; thúc đẩy các chương trình xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.

Đinh Hữu Dư
Độc đáo nhà trình tường của đồng bào Mông
Độc đáo nhà trình tường của đồng bào Mông

Đồng bào Mông chiếm đa số trong các dân tộc ở cao nguyên đá Hà Giang. Nói đến văn hóa của đồng bào Mông không thể không kể đến kiến trúc của ngôi nhà trình tường truyền thống, bởi đây là thước đo không chỉ đánh giá sự giàu có, mà còn là căn cứ để xác định đâu là người Mông cư trú lâu nhất vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN