Độc đáo Tết Khùi xì mờ của người Phù Lá

Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng trên các sườn núi, báo hiệu một mùa Xuân mới đang về với khắp các bản trên, bản dưới, người Phù Lá ở bản Nhầy, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) tạm gác lại mọi lo toan. Cả bản làng nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết "Khùi - xì- mờ" - Tết mừng năm mới.
 
Dân tộc Phù Lá sống trên lãnh thổ nước ta từ rất lâu đời. Ở xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, người Phù Lá có trên 140 hộ gia đình, sống xen kẽ với các tộc người Tày, Mường, Giao, Kinh và Mông. Trong đó, bản Nhầy là nơi người Phù Lá tập trung đông nhất. Những ngôi nhà sàn của người Phù Lá nằm dọc theo phần đất cao ven chân đồi. Trước mặt nhà là khu ruộng bậc thang còn phía sau lưng là mảnh nương, hoặc vườn của gia đình.
 

Phụ nữ người Phù Lá rất giỏi dệt vải và thêu thùa. Ảnh Internet.

Trước kia, nhà của người Phù Lá thường có 5 gian và 2 bếp lửa. Bao giờ, lễ nhóm bếp cùng được tiến hành vào ngày giờ tốt khi ngôi nhà đã được dựng cất hoàn chỉnh. Người ta buộc vào dàn bếp mới làm của nhà mỗi góc 2 bông lúa giống, với nghi thức này, người Phù Lá hy vọng hồn lúa sẽ phù hộ cho họ được no ấm. Sàn nhà sàn thường được người Phù Lá chọn làm từ những cây vầu già. Kinh nghiệm riêng của người Phù Lá là chọn những cây không cụt ngọn và phải chặt vào dịp cuối năm. Vầu sau khi chặt về được thanh niên trong nhà băm ra thành những mảng rộng sau đó bổ một đường thẳng dọc thân. Muốn sàn nhà được bền lâu, vầu sau khi bổ cần phải được phơi nắng sau đó mới đưa và sử dụng.
 
Phụ nữ người Phù Lá rất giỏi dệt vải và thêu thùa, ngay từ khi còn nhỏ các bé gái đã làm quen với công việc này dưới sự dẫn dắt của mẹ và các chị. Tất cả những kinh nghiệm dệt và thuê từ truyền thống từ dễ đến khó đều được họ nắm bắt thành thực trước khi lập gia đình. Trang phục của người Phù Lá không chỉ có độ bền cao mà còn có giá trị thẩm mỹ bởi mang nhiều nét hoa văn độc đáo. Những hoa ăn này phân bố khá đồng đều ở cả váy và áo, chủ yếu mang gam màu nguyên đỏ trắng và xanh trên nền tràm. Số lượng hoa văn tập trung phân bố theo chiều ngang và bị ngắt quãng bởi các mảng tràm lớn để nguyên không trang trí. Ngược lại, bộ quần áo của người đàn ông thường không trang trí thường chỉ để tràm hoặc trang trí một ít hoa văn ở cổ và lưng. Phụ nữ Phù Lá mặc đẹp nhất trong đám cưới hay các lễ hội cộng đồng quan trọng.
 
Theo lịch của người Phù Lá, một năm có 12 tháng. Tết Khui xi mơ được diễn ra vào đúng tháng Hâng Nớ Bơ (tức tháng con gà hay tháng 1). Như vậy, là trùng với ngày Tết cổ truyền của dân tộc Kinh. Người Phù Lá ăn Tết bắt đầu từ ngày 30 tháng Chạp (Âm lịch) đến hết rằm tháng Giêng, trong đó có 3 ngày Tết chính (mùng 1, mùng 2 và mùng 3), còn lại là Tết con, (từ ngày mùng 4 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch).
 
Vào ngày cuối năm, khi công việc đồng áng đã xong, các thành viên trong gia đình chuẩn chỉnh trang nhà của và quần áo chuẩn bị đón Tết. Một trong những nghi lễ quan trọng nhất đối với người Phù Lá trong ngày Tết đó là lễ cúng chiều 30 Tết. Thông thường, trong dịp này người Phù Lá thường mổ lợn để làm lễ cúng và phục vụ cho như cầu sinh hoạt cho gia đình trong những ngày Tết. Tùy theo điều kiện và nhu cầu của mỗi gia đình mà mổ lợn to hay lợn nhỏ khác nhau để làm lễ cúng. Cùng lúc đó, bên trong ngôi nhà, người con gái cả hay người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị gạo nếp và đỗ đen để nấu xôi. Xôi và thịt lợn là 2 thánh phần không thể thiếu trong mâm cúng chiều 30 Tết. Xôi được làm bằng gạo nếp thơm ngon trộn lẫn với đỗ xanh hay đỗ đen. Theo quan niệm của người Phù Lá, đỗ đen là tốt nhất.
 

Bữa cơm đầu tiên mà người Phù Lá ăn trong Tết Khui xi mờ và cũng là bữa cơm đông đủ nhất đối với mỗi gia đình.

 
Khi trời xế chiều, người Phù Lá bắt đầu Lễ vật chiều 30 Tết, chủ nhà đến mô đất cao trong khuân viên gia đình, hướng mặt lên trời đọc lời khấn “Xin trời âm dương, thiên, địa, xin tổ tiên về để gia đình làm lễ cúng chiều 30 Tết”. Lễ cúng diễn ra tại khu sàn phụ đối diện với của chính ra vào ngôi nhà. Mâm cúng chiều 30 Tết gồm thịt lợn, xôi, hương và rượu. Chủ nhà đọc lời cúng mời tổ tiên về ăn cơm uống rượu và cầu cho may mắn đến với gia đình. Sau đó, cả gia đình người Phù Lá quây quần bên bữa cơm cuối cùng trong năm. Theo phong tục của người Phù Lá, đây là bữa cơm rất quan trọng để đón người đi xa về với gia đình, để con cháu sum vầy bên ông bà, bố mẹ, cùng điểm lại những việc đã làm được trong 1 năm đã qua, vui mừng, hạnh phúc chuẩn bị đón chào một năm mới đang đến.
 
Ông Phùng Văn Ló, Bản Nhầy, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên chia sẻ: Đối với người Phù Lá, bữa cơm chiều 30 có ý nghĩa rất quan trọng, bất kỳ ai, dù đi làm ăn xa, đi học xa, đến ngày Tết đều phải trở về nhà để sum vầy bên gia đình. Bữa cơm chiều 30 chính là thời gian được mọi người trông đợi nhất trong năm, là bữa cơm đầu tiên mà người Phù Lá ăn trong Tết Khui xi mờ và cũng là bữa cơm đông đủ nhất đối với mỗi gia đình. Nếu trong gia đình có con cháu, đi làm ăn xa, chiều 30 Tết không về dự cơm cùng gia đình được, người già trong nhà mong đợi lo lắng lắm, ăn Tết sẽ mất vui.
 

Ngày đầu của năm mới, lúc còn tờ mờ sáng, khi cả bảng làng vẫn còn chìm trong giấc ngủ, người con gái cả của gia đình dậy thật sớm, ra ngon nước đầu nguồn, hứng đầy ống bương đem về nhà. Đây là một tập quán độc đáo của người Phù Lá. Bởi họ cho rằng, đầu năm mới phải có nước mới, tinh khiết để trong nhà, cả năm mới, gia đình mới khỏe mạnh, sạch sẽ và thu được nhiều cái mới. Trên đường đi, người con gái này phải nhặt một viên đá cuội màu trắng lấy may mắn.
 
Sáng mồng 1 Tết, gia đình người Phù Lá tiến hành làm lễ cúng tổ tiên. Sau lễ cúng tổ tiên vào sáng mùng 1 đầu năm, theo quan niệm của người Phù Lá, ngày Tết là ngày được nghỉ ngơi và vui chơi, do vậy, các vật nuôi trong nhà, các công cụ lao động và con vật làm sức kéo cũng cần được nghỉ ngơi. Do vậy, sáng mùng 1 cũng không thể thiếu nghi lễ cho trâu bà ăn bánh Khui đen, một loại bánh được làm bằng lá cây Lúc lắc.
 
Trong ngày mùng Một đầu năm, người Phù Lá cho rằng, nếu bản này sang bản khác chơi hay chúc Tết vào đầu năm, mọi của cải trong làng sẽ đi theo và làm cho bản mình bị đói kém suốt năm đó. Do vậy, sang ngày mùng hai, mùng ba Tết, dân làng bắt đầu đến các bản làng chúc tết. Sau khi uống với nhau chén rượu, ăn miếng bánh, miếng thịt và chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới, gia đình sẽ tổ chức múa Xình Xi Bá hay còn gọi là múa Xòe và mời khách cùng tham dự. Vừa múa người ta vừa khấn cầu tổ tiên thần linh phù hộ cho gia đình một năm mới sức khoẻ, mùa màng bội thu, trâu bò, lợn gà đầy chuồng... Múa Xình Xi Bá là nét văn hóa rất độc đáo, lâu đời của người Phù Lá, thể hiện tính cộng đồng cao. Nhạc cụ được sử dụng trong múa Xình Xi Bá là Ma Nhí hay còn được gọi là Khèn. Cùng với Sáo Cúc Kẹ hay sáo Mũi thì Khèn Ma Nhí chính là hai nhạc cụ độc đáo của người Phù Lá mà không thể lẫn với bất kỳ dân tộc nào khác trên đất nước ta.
 
Ngày mùng bốn Tết, các bản làng tưng bừng mở hội, mọi người đắm mình tiếng khèn, tiếng sáo, trong các điệu xoè... Cùng với đó là những trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc như: hát đối đáp, đánh quay, bắn nỏ, chơi yến, ném còn... Các trò chơi được kéo dài cho tới rằm tháng Giêng mới kết thúc. Tuy nhiên, độc đáo nhất đối với người Phù Lá vẫn là trò đánh cầu. Quả cầu được làm bằng lông gà, có đế làm bằng lá chuối tươi đan vào nhau. Trong những ngày Tết, người Phù Lá rủ nhau đi chơi, chúc Tết nhau thành những nhóm rất đông, vừa đi vừa đánh cầu. Quả cầu được tung lên, các chàng trai cô gái dùng tay đánh chuyền từ người này sang người kia, trong tiếng cười đùa vui vẻ. Họ cố gắng đánh làm sao cho quả cầu bay càng cao và càng lâu trên không, càng may mắn.
 
Ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên cho biết: Trong những năm qua, Đảng bộ chính quyền xã đã tuyên truyền cho bà con nhân dân dân tộc Phù Lá giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc mình, chấp hành nghiêm chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến người Phù Lá như hỗ trợ giống lúa, cho vay vốn. Cuộc sống của bà con đến bây giờ đã ổn định, hộ nghèo còn dưới 20%.
 
Một mùa Xuân mới lại về với người Phù Lá ở bản Nhầy... Trong trang phục truyền thống, những chàng trai, cô gái Phù Lá đắm say với điệu xoè Xình Xi Bá đón Tết Khui xi mờ.
 

Đức Tưởng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN