Điện Biên: Những “thủ lĩnh” làm kinh tế giỏi

Nằm ở phía đông của xã Sam Mứn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) khu vực bản Yên Cang trước đây nổi tiếng là “vùng đất khó”. Với trên 60% diện tích là núi đồi, có độ dốc lớn, để tìm một hướng đi đúng trong phát triển kinh tế đối với người dân nơi đây là một việc không hề đơn giản. Ấy vậy mà có nhiều cựu chiến binh đã thể hiện rõ tính tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và thành công trên vùng đất này.


Theo chỉ dẫn của bác Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch Hội CCB xã Sam Mứn, chúng tôi tìm đến trang trại anh Vì Việt Phú (50 tuổi, dân tộc Tày, bản Yên Cang), người mở đầu cho phong trào nuôi cá thương phẩm trên địa bàn xã.


Anh Phú cho biết: Năm 1994, khi xuất ngũ về địa phương, lúc ấy kinh tế gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Nhà có 5 miệng ăn mà nguồn thu nhập của gia đình chỉ biết trông chờ vào đồng lương giáo viên mầm non hạn hẹp của vợ. Sau 4 năm tìm hướng phát triển kinh tế gia đình với hàng chục nghề, cuối cùng anh quyết định dồn vốn liếng tích cóp được thuê nhân công lao động ngăn con suối chảy qua bản để làm kinh tế theo mô hình chăn nuôi cá. Hơn một tháng ròng, khi con đập hoàn thành, lòng hồ tích đầy nước, thì nguồn tài chính gia đình anh cũng vơi cạn. Anh Phú đã vay mượn thêm của bạn bè, người thân gần một trăm triệu đồng để mua cá giống về thả.


 

Cựu chiến binh Quàng Văn Giai đang cho cá ăn.

 

Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, sau một vài vụ cá đầu không cho lãi lớn, anh Phú cũng đã thành công. Hiện gia đình anh Phú đã có 2 ao với tổng diện tích gần 1,5 ha thả các giống cá trắm, mè, trôi. Không dừng lại ở đó, anh Phú còn tận dụng quỹ đất xung quanh ao cá để trồng hàng trăm khóm măng bát độ, hơn 2 ha sắn, ngô, hàng trăm gốc chuối, một đàn bò và hơn 100 con gà, vịt. Theo anh Phú cho biết: Mỗi năm anh xuất ra thị trường khoảng 4 tấn cá, trên 10 tấn sắn, ngô, măng thương phẩm... trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu về trên 100 triệu đồng/năm.


Ngược con suối nơi anh Phú dựng trang trại, chúng tôi đi về hướng thượng nguồn để tìm đến trang trại bác Quàng Văn Giai (65 tuổi, bản Yên Cang). Trong căn nhà sàn truyền thống, bác Giai cho biết: Sau gần 5 năm tham gia quân tình nguyện trên các mặt trận Bắc Lào, năm 1972 bác về quê lập nghiệp và xây dựng gia đình. Hơn chục năm loay hoay tìm đến nghề buôn bán, phát triển kinh tế nhưng đều không thành công. “Không phải mình thiếu vốn hay bản thân không chịu khó đâu. Mà vì sức khỏe mình không cho phép đấy”, bác Giai cho biết: Mỗi khi thời tiết bất thường, thay đổi đột ngột là vết thương cũ lại tái phát nên không thể buôn bán được.


Nhận thấy nghề chăn nuôi cá thương phẩm phù hợp với kinh tế gia đình, với sức khỏe nên bác đã bỏ vốn, thuê lao động đắp đập, ngăn suối để nuôi thả cá. Hơn 10 năm phát triển dần diện tích ao, đến nay bác đã có một số ao nuôi với diện tích gần 1 ha chuyên nuôi các loài cá trôi, trắm, mè. Người dân trong xã đặt cho bác cái tên “Người đắp hồ trên núi” cũng vì bác là chủ nhân của chiếc ao trên núi, đi bộ từ trung tâm bản lên đây cũng mất gần 1 tiếng đồng hồ.


Ngoài chăn nuôi cá là chủ đạo, bác Giai cùng vợ còn nuôi lợn, gà, vịt, trồng rừng bạch đàn. Trung bình mỗi năm vợ chồng bác thu lãi trên 60 triệu đồng từ mô hình kinh tế gia đình. Bác Giai cho biết thêm, sắp tới sẽ trồng thêm cây cánh kiến để phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, bác đã trồng thử gần chục cây cánh kiến và thấy khả năng mang lại hiệu quả cao.


Phát huy phẩm chất “anh Bộ đội cụ Hồ” trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững, ở bản Yên Cang còn có các anh Lò Văn Cương, Lò Văn Loan, Lò Văn Hiếng, Lò Văn Ánh... những con người đã từng một thời kinh qua khói bom, lửa đạn, mang trên mình những thương tật của chiến tranh nhưng bằng ý chí, nghị lực họ đã thành công từ chính mô hình kinh tế nuôi cá kết hợp chăn nuôi gia cầm. Trung bình hằng năm, gia đình những cựu chiến binh thu lãi từ 60 đến hơn 100 triệu đồng từ chính mô hình kinh tế của gia đình mình.


Họ là những “thủ lĩnh” trong phong trào phát triển kinh tế của Hội, giúp các hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.


Bài và ảnh: Xuân Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN