Di dân dự án Thủy điện Sơn La:Những kinh nghiệm quí báu

Dự án thủy điện Sơn La (TĐSL) có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Việc triển khai dự án đã ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu với tổng diện tích đất bị ngập trên 25.100 ha. Vì vậy, việc thực hiện di dân, tái định cư (TĐC) là rất quan trọng.

Các đơn vị thi công giữ vững tiến độ xây lắp các tổ máy còn lại của thủy điện Sơn La. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Mục tiêu dự án di dân TĐC TĐSL là phải tạo được các điều kiện để đồng bào TĐC sớm ổn định cuộc sống, trên cơ sở khai thác tiềm năng về tài nguyên và sức lao động, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập để cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn so với nơi ở cũ. Từ dự án thí điểm TĐC Tân Lập, huyện Mộc Châu, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quí báu trong việc thực hiện các dự án di dân TĐC thủy điện sau này. Phóng viên Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thế Hiệu (ảnh), Trưởng Ban Quản lý dự án di dân TĐC TĐSL, huyện Mộc Châu về vấn đề này.

Xin ông giới thiệu khái quát về dự án TĐC thí điểm xã Tân Lập và dự án di dân TĐC TĐSL sau dự án TĐC Tân Lập ở huyện Mộc Châu?

Sau khi được Chính phủ cho phép, để giải phóng mặt bằng thi công dự án TĐSL, trong các năm từ 2002-2004, tỉnh Sơn La đã triển khai thí điểm dự án mô hình TĐC Tân Lập, tiếp nhận 396 hộ với 2.060 khẩu đồng bào dân tộc Thái đến 8 điểm TĐC tập trung, trong đó xã Tân Lập có 7 điểm và thị trấn Nông trường Mộc Châu 1 điểm. Mô hình TĐC Tân Lập triển khai theo hình thức Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở, hệ thống kết cấu hạ tầng và đầu tư xây dựng mô hình sản xuất theo hình thức “Chìa khóa trao tay”. Đối với những điểm TĐC trồng chè chất lượng cao, bình quân các hộ được giao đất chè 1.000 m2/khẩu, đất nương rẫy 1.000 m2/khẩu. Những điểm TĐC không trồng chè, chỉ có đất nương rẫy thì tùy theo quỹ đất giao cho hộ TĐC với diện tích từ 2.500-3.500 m2/khẩu, như các điểm Nặm Khao, Long Cóc, Nà Pháy, xã Tân Lập.

Đến năm 2007-2009, huyện Mộc Châu tiếp tục đón nhận 305 hộ với 1.249 khẩu TĐC TĐSL là đồng bào dân tộc Thái của các bản xã Mường Trai, huyện Mường La đến 7 điểm TĐC thuộc các xã Chiềng Sơn, Tà Lại và Lóng Sập. Sau hơn một năm di dân đến các điểm TĐC, tháng 3/2009, huyện Mộc Châu đã cơ bản hoàn thành tạm giao toàn bộ 655,96 ha đất các loại cho các hộ TĐC. Trong đó đất sản xuất nông nghiệp giao cho 305 hộ TĐC là 466,3 ha, đất lâm nghiệp 108,86 ha…, đảm bảo hạn mức bình quân diện tích đất ở 400 m2/hộ, đất sản xuất nông nghiệp từ 3.500 m2/khẩu trở lên. Người dân được giao đất sản xuất kịp thời, đảm bảo theo quy định mức quy hoạch được duyệt; giải ngân vốn hỗ trợ sản xuất đầy đủ, kịp thời vụ sản xuất kết hợp với việc thường xuyên kiểm tra, quán triệt việc sử dụng vốn, đảm bảo để sử dụng vốn đúng mục đích. Kết quả điều tra, tình hình đời sống, sản xuất của các hộ ở điểm TĐC theo chỉ đạo của Ban Quản lý dự án di dân TĐC TĐSL thì cả 305 hộ TĐC sau hai năm cơ bản đã ổn định cuộc sống và sản xuất.

Vậy đâu là nguyên nhân làm nên thành công sau mô hình thí điểm TĐC Tân Lập?

Trong quá trình triển khai, Ban Quản lý dự án di dân TĐC TĐSL huyện Mộc Châu đã nghiêm túc thực hiện, vận dụng linh hoạt chính sách theo Quyết định 02/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 12/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Sơn La nên đại bộ phận nhân dân trong vùng dự án đồng tình ủng hộ. Thành công của dự án này có những nguyên nhân sau:

Hộ TĐC trực tiếp được tìm hiểu, lựa chọn, quyết định nơi ở mới. Vì vậy thường ít xảy ra việc người dân phàn nàn về điều kiện khí hậu, đất đai ở điểm TĐC; nhất là không đảm bảo quỹ đất sản xuất và có nguồn cấp nước tự chảy đến nơi ở của từng hộ dân. Hầu hết các hộ sử dụng được ngôi nhà ở cũ của mình, kết hợp với vốn hỗ trợ để mua sắm bổ sung nguyên vật liệu, tấm lợp, có tiền công làm nhà ở theo nguyện vọng, khang trang hơn nơi ở cũ. Không xảy ra việc người dân phàn nàn dự án xây dựng nhà ở không phù hợp với phong tục tập quán.

Dự án không đầu tư mô hình sản xuất sẵn giao lại cho dân, mà thực hiện theo phương châm người dân quyết định việc sử dụng tiền vốn hỗ trợ sản xuất để mua phân bón, giống mới gieo trồng trên diện tích đất được giao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nơi dân TĐC để nhanh chóng cho sản phẩm, ổn định đời sống tại nơi ở mới. Trừ bồi thường về đất, còn lại các khoản tiền bồi thường, hỗ trợ khác, người dân được tiếp nhận trực tiếp bằng tiền mặt, vì vậy người dân thấy mình được nhận đủ tiền chế độ chính sách quy định. Diện tích đất thu hồi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều được đo đạc lập bản đồ địa chính, vì vậy người dân TĐC thực sự yên tâm khi được giao cấp đất đủ hạn mức theo quy định.

Qua dự án di dân TĐC TĐSL, đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?

Sau dự án di dân TĐC TĐSL, chúng tôi đã rút ra được 5 bài học kinh nghiệm, đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện phải thực sự được coi trọng để kịp thời xem xét, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dự án; công tác tổ chức thực hiện TĐC phải thống nhất trong ý chí và hành động, đồng bộ trong công việc, đảm bảo thực hiện đúng quy trình và các quy định của Nhà nước để nhân dân thực sự yên tâm tin tưởng chính sách quy định về bồi thường, hỗ trợ; công tác vận động quần chúng phải được thực hiện thường xuyên, dưới nhiều hình thức và phù hợp với trình độ nhận thức của người dân; người dân trực tiếp tham gia theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từ đó tạo được sự đồng thuận nhất trí cao của nhân dân; công tác chỉ đạo triển khai thực hiện phải thực sự coi trọng công tác quy hoạch. Và cuối cùng là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, các cấp thông suốt, đúng quy định của pháp luật đã quyết định thành công của dự án.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Viết Tôn (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN