Đào tạo 'truyền nhân' gìn giữ Rô Băm

Rô Băm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo của dân tộc Khmer. Trước nguy cơ bị thất truyền, đoàn Rô Băm Ba Sắc Bâng Chông (ở xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã đào tạo được "truyền nhân" đời thứ 7, góp phần gìn giữ loại hình nghệ thuật này.

Bà Lâm Thị Hương, Trưởng đoàn Rô Băm Ba Sắc Bâng Chông cho biết, trong cuộc sống hiện đại, giới trẻ không còn mặn mà với loại hình Rô Băm như cha ông ngày trước, nên nghệ thuật Rô Băm đứng trước nguy cơ thất truyền.

Để có được những "truyền nhân" mới cho môn nghệ thuật này, bà Lâm Thị Hương và các thành viên trong đoàn cùng chính quyền địa phương đã vận động gia đình cho con em tham gia đoàn, vừa để thỏa niềm đam mê của các em, vừa để loại hình nghệ thuật Rô Băm không bị thất truyền.

Đoàn Rô Băm Ba Sắc Bâng Chông là một trong những đoàn Rô Băm đầu tiên của đất Sóc Trăng và cũng là đoàn Rô Băm duy nhất còn lại đến nay.

Đoàn Rô Băm Ba Sắc Bâng Chông đã có từ cách đây hơn 200 năm, đến nay đã trải qua 6 thế hệ (kể cả thế hệ của bà Lâm Thị Hương - trưởng đoàn). Nghệ thuật Rô Băm được truyền lại cho con cháu trong dòng họ giữ gìn và phát triển. Ở thế hệ thứ 7 này, đoàn đào tạo được 6 cháu gái ở độ tuổi từ 13-16.

Sau nhiều tháng luyện tập, các em đã bộc lộ những năng khiếu với nghệ thuật diễn xướng của Rô Băm. Đây là những em có sự đam mê, nhiệt huyết với nghệ thuật Rô Băm nên đã nhanh chóng tiếp thu được các điệu múa, lời thoại, diễn xuất…

Em Lý Thị Mỹ Hạnh - thành viên mới của đoàn Rô Băm Ba Sắc Bâng Chông cho biết: Em rất thích múa Rô Băm và khi biết bà Hương thu nhận người diễn mới, em đã xin gia đình đến học múa, vừa để được thỏa niềm đam mê từ nhỏ là trở thành một thành viên của đoàn Rô Băm. Mỗi ngày, sau giờ tan học, chúng em đến nhà bà Hương luyện tập. Em hy vọng mình là người kế thừa và gìn giữ được nghệ thuật Rô Băm truyền thống của cha ông.

Những “truyền nhân” mới này đã có dịp diễn xuất phục vụ công chúng tại chùa Đay Om Pou (ấp Phú Giao, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên) nhân dịp lễ mừng công ghe ngo của chùa và được sự đánh giá cao của các bậc cao niên. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng vì diễn xuất của những “truyền nhân” mới này đã góp phần khẳng định sự tồn tại của nghệ thuật Rô Băm trên đất Sóc Trăng.


Chanh Đa


Cần nỗ lực bảo tồn múa Rô băm
Cần nỗ lực bảo tồn múa Rô băm

Rô băm là loại hình sân khấu truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ, tồn tại hơn trăm năm qua và phát triển rực rỡ vào thập niên 60, 70 của thế kỷ XX. Rô băm được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao về giá trị văn hóa, nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ mai một.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN