Đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập

Đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn nhiều tồn tại, dẫn đến không hiệu quả và gây lãng phí ngân sách của Nhà nước. Báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Sơn Phước Hoan (ảnh).

 

Xin ông cho biết việc triển khai thực hiện Quyết định 1956 thời gian qua như thế nào?


Việc đào tạo nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) rất quan trọng. Hiện nay có khoảng 1 triệu hộ nghèo là DTTS, trong đó có hơn 400.000 hộ không có đất và thiếu đất sản xuất, nên việc xóa đói giảm nghèo phải bằng cách đào tạo nghề. Chính phủ đã có chủ trương đào tạo nghề 1956, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì và các quyết định 74, 134 cũng có một phần về đào tạo nghề.

 

Dạy nghề cơ khí, sửa chữa máy móc còn nhiều hạn chế.


Việc thực hiện Quyết định 1956 thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, có cả chủ quan và khách quan. Đó là do chưa thống kê, nắm bắt được nhu cầu đào tạo nghề, sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ. Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho nông thôn, nhưng không có nội dung nào giao cho cơ quan làm công tác dân tộc, trong khi đó lao động nông thôn cần đào tạo nghề lại tập trung chủ yếu ở các huyện nghèo, vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trước thực trạng này Ủy ban Dân tộc đã có ý kiến và năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung Ủy ban Dân tộc là cơ quan thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định1956.

 

Ông đánh giá thế nào về việc đầu tư cho hệ thống cơ sở dạy nghề ở các huyện?


Hiện nay chưa có những trung tâm đào tạo đồ sộ, nhưng các huyện nghèo hầu hết đã có cơ sở đào tạo nghề, bên cạnh đó còn phối hợp với các trung tâm dạy nghề khác, các nghệ nhân dạy nghề đối với nghề tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp. Đối với đào tạo nghề phi nông nghiệp như cơ khí, đòi hỏi có thiết bị thực hành, có thể mượn cơ sở như hội trường, nhà văn hóa... vẫn có thể tổ chức được. Tuy nhiên, hiện nay nên chọn những nghề gắn với địa bàn, mời những người dạy nghề, truyền nghề am hiểu ngôn ngữ, phong tục để họ giúp đồng bào nâng cao tay nghề. Về lâu dài, cần có cơ sở dạy nghề quy mô hơn. Bên cạnh đó trường phổ thông DTNT ở những huyện có từ 10.000 trở lên là đồng bào dân tộc thiểu số được phép đào tạo liên thông. Nếu học sinh học hết lớp 9 mà không học cao hơn sẽ được đào tạo nghề tại trường.

Để làm tốt Quyết định 1956 thì vai trò của chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền là rất quan trọng, không chỉ tuyên truyền bằng cách truyền miệng, bằng hệ thống tuyên truyền bằng tiếng dân tộc và thông qua các cơ quan đài, báo. Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm thông tin nhu cầu đào tạo nghề, hình thành các nhóm, tổ, mô hình sản xuất về chương trình đào tạo nghề và yêu cầu đăng ký. Đồng thời tuyên truyền về việc người học được hưởng các chính sách, tiêu chuần, hỗ trợ và có “đầu ra”. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tay nghề. Cần tuyên truyền sâu rộng để đồng bào có nhận thức nhu cầu học nghề và quyết tâm học nghề và thấy được học nghề vừa là quyền lợi và là trách nhiệm của bản thân.

Nhiều người cho rằng việc đào tạo nghề hiện nay mới chỉ đào tạo ngắn hạn, ông nhận xét gì về nhận định này?


Tái nghèo là một trong những nguyên nhân do đào tạo nghề chưa sát với thực tế. Trong 1 triệu hộ nghèo thì có đến 400.000 hộ không có đất và thiếu đất sản xuất, nếu chỉ chuyền nghề nông nghiệp mà không chuyển dịch đào tạo phi nông nghiệp và giải quyết việc làm sau đào tạo sẽ gây lãng phí, bởi họ không có đất sản xuất. Học viên học xong về không có việc làm. Như vậy khâu khảo sát, điều tra chưa đúng theo nhu cầu đào tạo và nhu cầu xã hội đang cần.

 

Ông cho biết những vướng mắc trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm?


Hiện có tình trạng các cơ sở đào tạo không nắm được thông tin thị trường và không kết nối được với các nơi sử dụng lao động. Thời gian tới cơ quan làm công tác dân tộc sẽ tổng hợp nhu cầu đào tạo và tìm hiểu thông tin thị trường để nắm rõ nhu cầu lao động, từ đó hướng cho đồng bào đăng ký học nghề phi nông nghiệp. Đối với lao động nông nghiệp, ưu tiên cho những người có đất sản xuất để khi đào tạo xong, họ có thể vận dụng nghề đã được học vào sản xuất. Xác định xem đất đồng bào được cấp trồng được cây, con gì để đào tạo nghề cho phù hợp. Nếu đồng bào có nhu cầu đào tạo nghề gì thì ưu tiên cho đăng ký học nghề để nâng cao tay nghề. Cơ quan làm công tác dân tộc có trách nhiệm tổng hợp số lao động ở các doanh nghiệp, xí nghiệp, trang trại xem họ có nhu cầu đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động hay không, để hỗ trợ kinh phí, hoặc tìm hiểu xem nhu cầu lao động của thị trường là nghề gì để hướng cho đồng bào học nghề đó, nhằm giải quyết đầu ra cho các học viên.

 

Theo ông để thực hiện tốt hơn việc đào tạo nghề theo Quyết định 1956, thời gian tới cần có giải pháp gì?


Khi tham gia Ban chỉ đạo, Ủy ban Dân tộc đã kiến nghị sửa đổi Quyết định 1956 để phù hợp với đồng bào, bởi đồng bào DTTS là đối tượng số 1 trong quyết định này. Nội dung sửa đổi sẽ tập trung nâng mức hỗ trợ cho người đi học bởi họ chủ yếu là lao động chính trong gia đình. Giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì tổng hợp nhu cầu đào tạo nghề, đối tượng đào tạo, ngành nghề đào tạo. Tới đây sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong việc đào tạo khuyến nông, lâm, ngư; đào tạo nghề phi nông nghiệp sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Thời gian tới cũng sẽ điều chỉnh nội dung, phương pháp, cách thức đào tạo vì đồng bào sống ở vùng sâu, xa và một số nơi chưa có trung tâm đào tạo, tập trung đào tạo gắn với địa bàn họ sinh sống để giúp họ nâng cao tay nghề; do trình độ khác nhau nên cũng sẽ ưu tiên đào tạo cho những người biết chữ, trình độ cao, để từ đó họ phổ biến, truyền dạy lại cho những người xung quanh. Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu dạy nghề để phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết nhu cầu việc làm; tăng cường thông tin tuyên truyền không chỉ bằng báo chí mà phải bằng cả hệ thống truyền thông để nâng cao nhận thức cho đồng bào hiểu việc học nghề là để chuyển đổi cơ cấu ngành nghề... ; đồng thời có kiểm tra, theo dõi, giám sát để đánh giá rút kinh nghiệm.


Xin cảm ơn ông!


Trọng Thủy(thực hiện) 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN