Đắk Nông: Cần có những chính sách thu hút phát triển nguồn nhân lực

Đắk Nông là tỉnh vùng cao ở khu vực Tây Nguyên, với 40 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án vào vùng đồng bào dân tộc, góp phần ổn định chính trị, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở nơi đây.

Cà phê, cao su, điều, tiêu... là những cây trồng chủ lực để Tây Nguyên phát triển, xóa đói giảm nghèo.


Ông K’ Bốt, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, cho biết: Dân số Đắk Nông hiện có gần 489.400 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 32,07%. Toàn tỉnh có 21 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và 28 thôn, bon, buôn ĐBKK thuộc xã khu vực II. Được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành của Trung ương, các công trình hạ tầng thiết yếu của tỉnh đã được ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc trong việc đi lại, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa. Hiện nay 100% xã, phường, thị trấn có đường giao thông và điện sinh hoạt; 50% số bon, buôn có 1-2 km đường nhựa. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm phát triển; thiết chế văn hóa cơ sở và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được đầu tư, bảo tồn và phát triển… Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân hàng năm là 6,47%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 27,8%; hệ thống chính trị cơ sở từng bước được kiện toàn và củng cố; công tác đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ được coi trọng; học sinh cử tuyển ngày càng được quan tâm, kể cả đầu vào và đầu ra. Đến nay, Đắk Nông đã cử tuyển được 258 em đi học tại các trường đại học và cao đẳng, đã tuyển dụng và bố trí được 65 em; hỗ trợ kinh phí học tập cho 703 sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, trong đó có 198 em là học sinh DTTS tại chỗ; công tác an ninh, quốc phòng vùng đồng bào DTTS tiếp tục được củng cố và giữ vững.

Tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa đồng đều giữa các vùng và thiếu bền vững, khả năng tái nghèo rất cao, trình độ sản xuất thấp kém, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của đồng bào DTTS là 53,01%, trong đó DTTS tại chỗ là 65,11% và DTTS khác là 47,35%; mức độ phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao vùng DTTS nhìn chung còn thấp so với mức bình quân chung của tỉnh. Giáo viên mầm non dạy mẫu giáo vùng DTTS đa số chưa biết tiếng dân tộc, trong khi đó số lượng giáo viên mầm non dạy trẻ em dưới 5 tuổi là người DTTS chỉ chiếm 9,2%. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở vùng đồng bào DTTS còn thấp. Phần lớn các em chưa đảm bảo được vốn tiếng Việt cần thiết, nên tỷ lệ học sinh tiếp tục theo học ở bậc THCS và THPT chưa cao...

Để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng cũng như Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, Đắk Nông đã đề ra phương hướng trong giai đoạn 2011-2016; theo đó, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển. Đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư ở vùng ĐBKK, vùng biên giới, đối tượng đầu tư phải cụ thể đến với bon, buôn, thôn và hộ đồng bào DTTS. Phấn đấu đến năm 2016 đảm bảo có sự chuyển biến rõ nét toàn diện các mặt về dân sinh, kinh tế, văn hóa xã hội; giữ vững an ninh chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, hệ thống chính trị được củng cố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3-5%, riêng hộ nghèo thuộc đồng bào DTTS tại chỗ mỗi năm giảm 5-6%.

Ông K’rah, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng: Các tỉnh Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái. Do đó, cần có chính sách khai thác Tây Nguyên theo đầu tư chiều sâu, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, khoáng sản, rừng, môi trường sinh thái; trong đó phát triển ổn định về cà phê, tiêu, cao su và điều. Cần có chính sách đồng bộ về sản xuất và tiêu thụ giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến. Có chính sách sản xuất kinh doanh tổng hợp rừng, điều tra lại rừng cho chính xác, bảo đảm tái sinh rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật quí hiếm. Do đó Chính phủ nên điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn chính sách pháp luật về rừng.

Ưu tiên đầu tư cho công nghiệp chế biến các sản phẩm chủ lực bằng cách có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư vào miền núi. Chỉ đạo phát triển thương mại tổng hợp, đa dạng dịch vụ sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu, ưu tiên vốn nhiều nhưng hợp lý. Tiếp tục tổ chức lại sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho nhân dân cũng như đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Xây dựng chính sách riêng về thu hút phát triển nguồn nhân lực Tây Nguyên, xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực có trình độ cao, có cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút cán bộ có trình độ KHKT đến Tây Nguyên và quan tâm đào tạo nghề.

Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN