Đặc sắc lễ hội khèn Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn

Tối 1/9 tại trung tâm phố cổ huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đã diễn ra lễ hội khèn Mông.

Theo ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang: Khèn là nhạc cụ lâu đời của dân tộc Mông và giữ vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa cũng như đời sống tâm linh. Khèn Mông của tỉnh Hà Giang năm 2015 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; qua đó đã khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn, góp phần vinh danh di sản và trở thành sản phẩm du lịch của địa phương.

Lễ hội khèn Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn là hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông. Đây là dịp để đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Mông nói riêng giao lưu, học hỏi, thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó, làm phong phú thêm văn hóa của dân tộc mình.

Lễ hội khèn Mông - 2017 thu hút sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân trình diễn những bài khèn truyền thống. Mỗi bài có một giai điệu khác nhau nhưng đều thể hiện những tình cảm thiêng liêng trong đời sống tinh thần, tình cảm của đồng bào dân tộc Mông. 

Tiếng khèn không chỉ là sợi dây nối giữa thế giới thần linh với con người, người đang sống với tổ tiên dòng họ, mà còn là tiếng lòng, khúc tâm tình của các chàng trai, cô gái gửi tới người thương; tiếng khèn giúp họ kết đôi, xây dựng gia đình hạnh phúc. Cây khèn cũng luôn là người bạn đường chung thủy của các chàng trai Mông trên đường xuống chợ hay đi rừng, đi nương. Khèn là vật dụng linh thiêng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Mông. Tiếng khèn đã được lưu truyền qua bao đời và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Lễ hội khèn Mông được tổ chức góp phần tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên cao nguyên đá Đồng Văn tích cực tham gia bảo vệ các di sản văn hóa, gắn hoạt động văn hóa của các dân tộc với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới; quan tâm bảo tồn các loại hình văn hóa dân gian đang lưu truyền trong nhân dân; đồng thời sưu tầm, phục hồi các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Mông, qua đó nhân rộng mô hình truyền dạy nghề chế tác và sử dụng nhạc cụ truyền thống.

Đến với lễ hội khèn Mông - 2017, du khách có cơ hội được sống và tận hưởng những âm thanh dìu dặt, kết hợp với các làn điệu dân ca dân vũ trữ tình in đậm dấu ấn văn hóa cao nguyên. Đến Hà Giang, du khách có dịp được thưởng thức các điệu múa khèn cổ, trực tiếp xem và tham gia các hội thi múa khèn, các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Minh Tâm (TTXVN)
Giá trị truyền thống của khèn Mông
Giá trị truyền thống của khèn Mông

Khèn Mông gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Mông. Khèn được thổi lên trong đám tang để tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố; trong vui chơi để thi tài, thể hiện tình yêu đôi lứa và bộc lộ ý chí, nghị lực của người con trai trong sinh hoạt cộng đồng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN