Cuộc sống ấm no ở Cư Đliê M’nông

Sau 36 năm giải phóng, đồng bào dân tộc xã vùng sâu Cư Đliê M’nông (huyện Cư M’gar - Đắk Lắk) đã ấm no, cuộc sống trở nên khá giả. Diện mạo vùng nông thôn nơi đây đang đổi mới từng ngày. Ai trước đây đã biết đến vùng này, nay có dịp trở lại sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì sự đổi thay và phát triển kinh tế xã hội trong toàn vùng.

Trước năm 1975, bà con dân tộc Êđê, Gia rai trong xã sống du cư, du canh với tập tục sản xuất phát đốt, chọc tỉa. Mỗi năm, bà con phát rẫy 1 lần theo mùa, sản xuất 1 vụ lúa cạn và vài thứ hoa màu quảng canh. Sau vài vụ sản xuất, đất bị bạc màu, bà con lại tìm khoảnh rừng khác chặt cây, đốt lấy đất sản xuất. Cuộc sống vất vả, đói nghèo đeo đuổi họ triền miên.

Sau ngày quê hương được giải phóng, chính quyền địa phương tổ chức cho đồng bào dân tộc định canh định cư, thay đổi dần tập tục làm ăn cũ. Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp định hướng cho bà con chuyển đất nương rẫy làm lúa cạn và hoa màu sang trồng cà phê theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngay trên địa bàn xã, Công ty cà phê Đ’rao (Tổng công ty Cà phê Việt Nam) thành lập, thu hút trên 420 hộ dân người Êđê của Buôn Đinh, Buôn Rào, Buôn Phơn và Buôn Rá tham gia sản xuất cà phê.

Đồng bào dân tộc xã vùng sâu Cư Đliê ) sản xuất cà phê sạch.


Qua nhiều năm phát triển sản xuất, bà con dân tộc thiểu số và cư dân trong vùng nhanh chóng mở rộng diện tích cà phê. Đến nay, toàn xã đã trồng được 3.500 ha cà phê, riêng đồng bào dân tộc Êđê trồng trên 1.200 ha cà phê, chưa kể diện tích nhận khoán của nông trường. Tùy theo điều kiện sản xuất của từng gia đình, mỗi hộ trong xã trồng từ 1 đến trên 4 ha cà phê. Ngoài nguồn vốn và vật tư được Nhà nước cung ứng, trong quá trình sản xuất, bà con người Kinh và người dân tộc thiểu số đã giúp nhau khai hoang đất trồng mới cà phê, trao đổi kinh nghiệm thâm canh cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp vốn mua sắm các máy loại nổ, máy bơm tưới, máy cày, giàn ống tưới phục vụ sản xuất.

Với tinh thần tương thân tương ái, hết lòng giúp đỡ lẫn nhau, nhiều hộ bà con dân tộc khó khăn về lao động vẫn sản xuất cà phê có hiệu quả với năng suất được nâng cao. Nhờ biết đầu tư chăm bón cà phê và đưa kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, năng suất cà phê trong xã đạt bình quân trên 2,5 tấn nhân/ha. Một số gia đình lao động giỏi, đầu tư thâm canh cao, đã có vườn cà phê đạt năng suất từ 3,5 đến trên 4 tấn nhân/ha.

Ngoài phát triển cây công nghiệp, nhiều bà con dân tộc Êđê còn trồng thêm ngô lai, đậu đỗ và phát triển chăn nuôi lợn, bò, dê, nuôi gia cầm, đào ao nuôi thả cá. Kinh tế khá lên, một số gia đình mở thêm các dịch vụ mua bán và chế biến nông sản. Hiện nay, trong toàn xã có khoảng 35% số hộ nông dân có kinh tế khá giả, số hộ trung bình chiếm 60%, số hộ nghèo giảm xuống dưới 5%.

Riêng đối với 4 buôn đồng bào dân tộc tại chỗ, kinh tế phát triển nhanh, đời sống của bà con đã khá lên nhiều. Buôn Đinh là đơn vị đạt danh hiệu buôn văn hóa, kinh tế khá nhất xã, với trên 60% số hộ khá giả, mức thu nhập mỗi hộ trên 100 triệu đồng/năm, còn lại là số hộ trung bình và không còn hộ nghèo. Đặc biệt, một số hộ lao động giỏi, có nhiều diện tích cà phê, mở thêm nghề buôn bán và chế biến nông sản đã có mức thu nhập trên 250 triệu đồng/năm.

Trong cuộc sống hàng ngày, bà con dân tộc trong xã đã gắn bó, đoàn kết bên nhau, tập trung sức người, sức của xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cơ sở, xây dựng công trình phúc lợi như: đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi nhỏ, xây dựng trường học, lắp đặt đường dây điện và trạm biến áp với giá trị hàng tỉ đồng.

Kinh tế phát triển, bà con các dân tộc trong xã có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang. 100% số hộ bà con dân tộc thiểu số trong xã sắm xe công nông và một số loại máy móc phục vụ sản xuất; gần 98% số hộ có xe máy, 100% số hộ sử dụng điện và có các phương tiện nghe nhìn; một số gia đình còn sắm tủ lạnh, máy giặt cùng các loại đồ dùng sinh hoạt đắt tiền. Cuộc sống ngày càng khá lên, bà con các dân tộc trong xã đã quan tâm đến việc xây dựng đời sống văn hóa mới, chú ý hơn về sự nghiệp giáo dục và y tế cộng đồng.

Bằng nguồn vốn của Nhà nước và đóng góp một phần của dân, xã đã xây dựng 1 trường trung học cơ sở, 2 trường tiểu học và 1 trường mẫu giáo với gần 70 phòng học khang trang. Hiện nay, toàn xã có gần 98% số cháu trong độ tuổi đã đến trường, trong đó có nhiều học sinh trung học phổ thông, một số vào học các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

Cuộc sống vật chất tinh thần ngày càng đổi thay, bà con các dân tộc trong xã Cư Đliê M’nông vững tin hơn về sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và chính sách dân tộc của Đảng.

Nguyễn Tiên Tri

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN