Còn nhiều khó khăn trong thực hiện Nghị quyết 30a

Trong 2 ngày 19 và 20/2, Đoàn công tác của Hội đồng dân tộc Quốc hội khóa XIII, đã đi khảo sát tại 2 huyện Phước Sơn và Tây Giang (Quảng Nam) về tình hình triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ - CP của Chính phủ (Chương trình 30a). Qua 3 năm thực hiện, chương trình đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện.

Tâm lý trông chờ, ỷ lại

Phước Năng là xã vùng trũng của huyện Phước Sơn, nằm trên đường Hồ Chí Minh và cách thị trấn Khâm Đức 8 km về phía Tây Nam. Dân số cả xã chưa tới 2.100 người, diện tích đất tự nhiên là trên 7.222 ha và có 18,7 ha trồng lúa nước. Với một vị trí địa lý khá thuận lợi, Phước Năng có nhiều lợi thế để phát triển toàn diện kinh tế, xã hội.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 30a, nhiều bản làng ở Tây Giang đã được xây dựng tái định cư.


Và từ năm 2008, địa phương cũng đã ra khỏi Chương trình 135 của Chính phủ. Thế nhưng, trong vài năm gần đây, bình quân lương thực đầu người chỉ đạt 259 kg/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới (áp dụng trong giai đoạn 2011 - 2015) vẫn còn mức 76,55%, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm chỉ khoảng 3%. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm... được phân bổ về xã từ Chương trình 30a sau 3 năm triển khai là hơn 10 tỷ đồng. Riêng đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp đã hơn 3 tỷ đồng, song đến nay xã vẫn chưa có một mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Theo ông Phạm Văn Phước, Chủ tịch UBND xã Phước Năng, Chương trình 30a đã thực sự đem lại rất nhiều lợi ích cho nhân dân. Sau 3 năm thực hiện, đã có 99 hộ nghèo được giải quyết nhà ở, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng; các công trình đường giao thông nông thôn, thủy lợi được xây dựng; thực hiện cấp 30 con bò giống, hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi heo rừng, hỗ trợ giống cây bời lời, keo... cho hơn 450 hộ dân trong xã phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, do 90% dân số địa phương là đồng bào thiểu số Bhnoong, điểm xuất phát của đồng bào quá thấp, người dân còn thụ động, không biết vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thậm chí, xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, song bà con vẫn không chịu áp dụng. “Nếu là hộ nghèo thì được hỗ trợ nhà ở, bảo hiểm y tế, trẻ con đi học không phải đóng tiền, đói có Nhà nước lo. Bà con quen sống dựa vào núi rừng, sống theo bản năng, giờ thay đổi tư duy của họ rất khó. Thế nên, nói chuyện giảm nghèo đã khó, huống gì đến chuyện thoát nghèo bền vững”, ông Phạm Văn Phước chia sẻ.

Nhiều vướng mắc

Theo ông Đỗ Văn Xuân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phước Sơn, do đặc thù của vùng cao, diện tích canh tác, đặc biệt là diện tích trồng lúa nước ở Phước Sơn khá thấp. Thêm vào đó, trên địa bàn Phước Sơn có khá nhiều dự án thủy điện, nhiều công ty khai thác khoáng sản lớn được triển khai xây dựng, khiến diện tích sản xuất, đặc biệt là diện tích lúa nước bị thu hẹp đáng kể. Các phần đất cấp cho dân để khôi phục sản xuất đa số là đất dốc, đất đồi, gây không ít khó khăn cho nhân dân. Trong khi đó, nguồn vốn từ Chương trình 30a hỗ trợ cho sản xuất là quá thấp, chưa phù hợp với thực tế phát triển ở địa phương.

Liên quan đến việc cấp vốn cho các dự án nằm trong Chương trình 30a, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, ông Phạm Thế Quyền kiến nghị: Các nguồn vốn từ các chương trình đầu tư xây dựng cơ bản vừa dàn trải, vừa chậm trễ, thường đến tháng 9, tháng 10 địa phương mới nhận được nguồn vốn hỗ trợ. Các công trình xây dựng vì thế tiến hành chậm, lại đúng mùa mưa, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, chất lượng công trình. Có những tuyến đường chưa kịp làm xong đã sạt lở, hư hỏng, lại phải tốn chi phí khắc phục, sửa chữa, gây tốn kém, lãng phí.

Những chương trình khác nằm trong Nghị quyết 30a cũng đã thể hiện sự bất cập qua quá trình áp dụng vào thực tiễn như vấn đề giao đất giao rừng cho người dân, xóa nhà tạm... Theo phản ánh của lãnh đạo UBND 2 huyện Phước Sơn và Tây Giang thì mức giao khoán bảo vệ rừng 200.000 đồng/ha/tháng đối với các hộ dân là quá thấp, công tác đo đạc, phân chia diện tích rừng giao khoán cũng gặp không ít khó khăn về kinh phí, triển khai nhỏ lẻ, manh mún, gây chậm tiến độ... Bên cạnh đó, hệ thống văn bản trong Chương trình 30a quá nhiều, lại không có văn bản hướng dẫn cụ thể, nhiều chương trình không có sự phân cấp rõ ràng, trùng lặp, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện. Vấn đề đào tạo nguồn cán bộ cơ sở theo Chương trình 30a tuy đã đầu tư nhiều, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ở địa phương...

Bài và ảnh: Hứa Chung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN