Cốm dẹp trong ngày lễ Oc Om Boc

Trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long (BSCL) có nhiều món ăn dân dã nhưng rất nổi tiếng, ngon miệng như: Bập bè nấu canh mắm, bún nước lèo, mắm bò hóc, bánh rừng, bánh ống… Trong đó, cốm dẹp là món ăn dân dã rất dễ làm được nhiều người ưa thích.


Nếp được sàng đãi thật sạch bụi trước khi chế biến thành cốm.


Không chỉ là một món ăn ngon, cốm dẹp còn là một món ăn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Trong ngày lễ Oc Om Boc hay còn gọi là lễ cúng trăng, cốm dẹp được đồng bào tôn kính dùng để lễ vật dâng lên trời phật nhằm tạ ơn các đấng thiên liên đã ban bố cho chúng sanh một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng bào Khmer tin rằng, nhờ ơn đức của phật trời nên họ mới có được hạt cơm, hạt nếp để nuôi sống gia đình. Và cũng chính từ những hạt nếp dẻo ngon ấy, đồng bào đã làm ra nhiều món ăn ngon để đáp tạ trời đất và để dâng tặng cho đời, cho thế hệ tương lai những món ăn ngon dẻo thơm ấy. Ngoài việc làm lễ vật để dâng cúng ơn trời đất, trong ngày lễ Oc Om Boc, cốm dẹp còn được bày bán khắp mọi nơi trong khu vực diễn ra lễ hội, mục đích để mọi người mua về làm món ăn lưu niệm dâng lên ông bà cha mẹ và làm quà gửi tặng người thân…


Cốm dẹp được bày bán tại chợ phường 6 (Sóc Trăng).


Một số gia đình chuyên làm nghề quết cốm dẹp ở Sóc Trăng cho biết, cách làm cốm dẹp rất đơn giản, nguyên liệu gồm có nếp mới, dừa rám vỏ, đường thốt nốt hoặc đường cát. Nếu làm theo truyền thống thì cốm dẹp thường được quết vào buổi chiều hoặc vào những đêm trăng sáng. Dụng cụ được bày biện trước sân nhà, bên cạnh bếp lửa được đốt bằng rơm có con cháu vây quanh rất nhộn nhịp, nếp được ngâm nước khoảng chừng vài 3 phút trước khi bỏ vào nồi rang, nếu rang bằng nồi đất thì cốm dẹp sẽ rất ngon, số lượng nếp rang tùy thuộc cối quết lớn hay nhỏ, phải rang nếp chín thật đều. Khi hạt nếp vừa giòn thì cho vào cối, dùng cối bồng, chày bằng gỗ để quết.


Quết cốm dẹp.

Thông thường, chày dùng để quết cốm dẹp có hình trụ, dài khoảng 1,5 m, nơi tay cầm được vuốt tròn vừa nắm, hai đầu bự ra. Quết cốm dẹp thường là đôi nam nữ, hai người đứng đối diện nhau, một tay cầm chày, một tay cầm cây gạt, vừa quết vừa gạt cho đến khi những hạt nếp dẹp lại, cho cốm dẹp vào nia, sàng hết trấu, dùng sàng đãi thật sạch bụi, cốm mới giòn, dẻo, thơm. Chỉ ăn cốm không, lúc mới đãi sạch cũng cảm nhận được mùi ngon đặc trưng của nó. Tuy nhiên nếu trộn thêm đường, dừa nạo… cốm sẽ mềm dẻo và ngon hơn. Vị thơm của nếp rang, vị béo của dừa và ngọt của đường làm cho ăn có một cảm giác ngon miệng thật khó tả.


Theo tiếng Khmer, cốm dẹp có tên là Om Boc, nếu dịch theo đúng nghĩa của tiếng Khmer thì lễ hội Oc Om Boc chính là ngày lễ ăn cốm dẹp. Bởi sau các nghi thức cúng bái, đồng bào tập trung lại một chỗ chờ Achar (Ban Hoằng pháp) chia cho mỗi người ba muỗm cốm dẹp để cùng nhau ăn mà người Khmer gọi là thọ hưởng phước báo trời phật ban cho.


Dưới ánh trăng sáng đêm rằm của lễ hội Oc Om Boc, cốm dẹp được quết trong tiếng cười đùa náo nhiệt thâu đêm của xóm làng, nghĩa tình phum sóc từ đó càng thêm thắt chặt, gắn bó hơn. Trong rằm tháng 10 âm lịch, phum sóc như có hàng ngàn “ánh trăng”, đó là ánh sáng từ các ngôi chùa và những ngọn nến lung linh mà nhà nhà bày biện trên mâm cỗ cúng trăng. Ngoài nhang đèn, hoa quả thì không thể thiếu món cốm dẹp - món ăn dân dã, mộc mạc mà người dân rất nhọc công chế biến để tạ ơn trời đất.


Hiện nay, cốm dẹp đã trở thành món ăn ngon được phổ biến rộng rãi khắp ĐBSCL, được rất nhiều người ưa thích, chọn làm quà biếu gia đình, bạn bè, mỗi khi có dịp tham dự lễ hội Oc Om Boc.



Bài và ảnh:Xuân Trang

Nghệ thuật điêu khắc Khmer
Nghệ thuật điêu khắc Khmer

Đối với người Khmer Nam Bộ, điêu khắc là một nghệ thuật truyền thống thiết yếu gắn liền với các kiến trúc làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ, ý nghĩa của công trình. Rất phong phú về đề tài, thể loại cũng như về chất liệu làm từ nhiều loại như gỗ, đá, kim loại, xi măng…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN